Nguồn cung hàng hóa dồi dào, người dân không nên tích trữ
(BDO) Trong bối cảnh Việt Nam có thêm những ca nhiễm bệnh Covid-19, do người dân chưa nắm vững tình hình nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, khiến nhu cầu mua sắm, tích trữ nhu yếu phẩm như gạo, thực phẩm khô tại các chợ truyền thống trên địa bàn Bình Dương tăng lên 30 - 40% so với bình thường.
Nhiều khách hàng mua gạo tại đại lý trên đường Đinh Bộ Lĩnh, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một sáng ngày 8-3
Nhu cầu tăng cao
Sáng sớm ngày 8-3, ghi nhận của phóng viên tại một số chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh cho thấy, có tình trạng người dân hoang mang, tranh thủ đến các quầy kinh doanh gạo sỉ, lẻ trên một số tuyến đường mua để dùng dần. Tại đại lý gạo trên đường Đinh Bộ Lĩnh, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, một khách hàng cho biết nhà chị đông người nên một tuần là hết cả bao gạo 50kg, dù nhà chưa hết gạo nhưng chị thấy ai cũng mua nhiều quá nên chị cũng tranh thủ mua. Sau khách hàng này có hàng chục người vào cửa hàng mua ít nhất người 10kg gạo, kẻ vào người ra mua gạo tấp nập khiến chủ cửa hàng bán không ngơi tay.
Ở cửa hàng kề bên, quầy gạo tại đây đã vơi hẳn so với 2 ngày trước khi chúng tôi khảo sát. Chủ cửa hàng gạo Thúy Lam tại đường Đinh Bộ Lĩnh, cho biết trong 3 ngày qua lượng khách mua gạo tăng lên gấp đôi so với những ngày trước. Giá bán hiện vẫn bình ổn. Tuy chưa có tình trạng mua gom với số lượng lớn nhưng đã có tình trạng mua nhiều hơn bình thường. “Người mua ít nhất 10 - 20kg để phòng hờ khiến lượng gạo bán nhanh hết. Hiện chúng tôi đang gọi thêm hàng nhưng các nhà cung cấp thông báo giá gạo sẽ tăng lên thêm ít nhất từ 500 - 800 đồng/kg trong những ngày tới”, chủ cửa hàng gạo này cho biết.
Khảo sát một số mặt hàng khác cũng cho thấy người dân đang có tâm lý tìm mua các loại thực phẩm khô như mì gói, bún, nước tương, nước mắm, thực phẩm đóng hộp, giấy vệ sinh, lương khô… để tích trữ. Anh Thuận, đại lý tạp hóa trên đường Nguyễn Thái Học, cho biết đây là làn sóng mua hàng lần thứ tư kể từ khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam và đây cũng là lần mua sắm mạnh nhất kể từ trước đến nay. Từ cả tháng trước, các mặt hàng nêu trên đã hút hàng, nay lại càng khan hiếm nhất là với các loại mì gói. Đa phần mọi người mua mì gói, gạo, miến, các loại đậu, đồ hộp, muối, nước tương… Người mua từ 1 - 2 thùng khiến mãi lực bán rất nhanh trong những ngày này.
Cung ứng đủ nguồn hàng
Cũng trong ngày 8-3, lượng khách đến siêu thị Big C Bình Dương rất đông. Có không ít người dân có tâm lý mua hàng để dự trữ khiến các dãy trưng bày các sản phẩm khô đều trong tình trạng đông người mua. Trên xe đẩy khách hàng nào cũng có từ 1 - 2 thùng thực phẩm khô khiến khu vực này rất nhộn nhịp. Tuy vậy, ông Thái Thành Nhân, Trưởng bộ phận thực phẩm tươi sống Siêu thị Big C Bình Dương, khẳng định hàng thực phẩm tại siêu thị rất dồi dào và đang khuyến mại khá nhiều. Đến thời điểm hiện tại, tại siêu thị chưa có tình trạng mua gom hàng và siêu thị có thể đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của thị trường như đã cam kết với ngành quản lý.
Tương tự, ông Hoàng Long, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bình Dương, cho biết trong 2 ngày cuối tuần qua, sức mua tại siêu thị có tăng hơn ngày thường khoảng 10 - 15%. “Người dân mua sắm theo nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Riêng đối với sức mua mặt hàng gạo, mì gói, gia vị đều trong tình trạng ổn định, giá không tăng”, ông Long khẳng định.
Được biết, các doanh nghiệp, siêu thị tại Bình Dương đã cam kết và sẵn sàng cung ứng cho tỉnh với sản lượng hàng hóa tăng từ 40% trong chương trình bình ổn thị trường năm 2020. Vì vậy, người dân không nên quá lo lắng về tình hình này. Các ngành chức năng vẫn đang tiếp tục giám sát chặt việc cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh, diễn biến tình hình thị trường nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu và tình hình đầu cơ tích trữ hàng hóa. Nếu phát hiện những trường hợp vi phạm như đầu cơ, tăng giá, bán hàng kém chất lượng ngành chức năng sẽ xử lý phù hợp.
TRÚC HUỲNH