Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam: Hàng Việt “bén duyên” với thị thành
Không chỉ được người tiêu dùng (NTD) khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa yêu thích, sau hơn 1 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hàng Việt đang từng bước hướng đến các phân khúc mới. Bỏ qua tâm trạng e dè, nghi ngại ban đầu, rất nhiều người dân khu vực thành thị bắt đầu làm quen với các thương hiệu Việt.
Thành công từ thị trường dễ tính
Ngay khi phát động chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương đã có sự lựa chọn hợp lý khi chọn điểm nhấn là khu vực nông thôn. Đây là thị trường được đánh giá đầy tiềm năng khi gần 70% dân số Việt Nam sống ở khu vực này có thu nhập trung bình với tâm lý tương đối dễ tính khi mua hàng. Một thời gian dài, khu vực này thả nổi cho các thương hiệu của Trung Quốc hoặc hàng hóa kém chất lượng. “Khi đưa hàng Việt về đây, chúng tôi không dễ tính mà ưu tiên chọn hàng Việt Nam chất lượng cao như một động thái xây dựng, củng cố niềm tin về hàng hóa Việt trong tâm thức người dân”, bà Vũ Kim Hạnh thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) khẳng định.
Hàng Việt đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt
Theo số liệu của các ngành chức năng, tính đến thời điểm cuối tháng 7-2010 đã có 68 đợt đưa hàng về nông thôn, thu hút gần 5 triệu lượt khách mua sắm với tổng doanh thu đạt hơn 1.500 tỷ đồng. Các nhóm hàng được chọn xâm nhập thị trường này là thực phẩm, may mặc, hàng tiêu dùng... Kết quả khảo sát các phiên chợ hàng Việt của BSA cho thấy, những phiên chợ lần sau đều có sự gia tăng về doanh thu, NTD và doanh nghiệp tham gia so với các phiên chợ trước. Ngoài các phiên chợ đưa hàng về nông thôn, BSA cũng tổ chức các chuỗi phiên chợ dành cho công nhân, người lao động thu hút khoảng 6.000 - 10.000 lượt người mỗi phiên và đạt khả quan về doanh thu.
Tham gia Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao được tổ chức mới đây tại tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai, nhận xét: “NTD trong nước hiện đã quen và tín nhiệm những sản phẩm Việt nhiều hơn. Giữa 2 thương hiệu Việt và Trung Quốc cùng chủng loại với sự chênh lệch chút đỉnh về giá cả, hầu hết khách hàng chọn mua hàng trong nước”. Đang săm soi chọn mua hàng tại hội chợ, chị Dung nhà ở huyện Long Thành phân bua: “Hàng Việt mình bây giờ tốt hơn ngày xưa nhiều và nếu có bị sự cố gì về chất lượng còn biết nơi sản xuất mà trình bày chứ hàng nước ngoài có biết họ ở đâu mà kiện”.
Hướng đến 30% dân số thành thị
Chỉ bằng 1/3 dân số khu vực nông thôn, nhưng khu vực thành thị đang là đích đến của hàng Việt. Với thu nhập từ trung bình đến khá cao, đây được xem là đối tượng khó tính khi đòi hỏi cặn kẽ những yêu cầu về mẫu mã, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc... Bên lề Hội thảo kinh doanh và cạnh tranh vì sự an toàn của người tiêu dùng, đại diện Siêu thị Big C cho biết, tại đơn vị này hơn 97% hàng hóa là thương hiệu Việt và chiếm tỷ lệ 100% đối với các nhóm hàng thời trang nữ, trẻ em... Hàng hóa Việt đã có những bước tiến vượt bậc trong việc khẳng định ưu thế về cả mẫu mã, vật liệu, chất lượng và đặc biệt là tính chuyên nghiệp của các nhà cung cấp. Hệ thống các siêu thị khác cũng có tỷ lệ hàng Việt cao như Saigon Co.op hơn 95%, Citimart gần 90%, Maximart hơn 90%...
Không phải tự nhiên mà hàng Việt đang có những bước đi chậm nhưng chắc trong việc tiếp cận với nhóm đối tượng trên. Chính tính tự giác của các doanh nghiệp trong ý thức sống còn với thị trường nội địa là tiền đề cho sự phát triển này. “Đơn cử cách đây 5 năm, để tìm hàng dệt may Việt, các chuyên viên thu mua Big C phải đến các chợ bán buôn để tìm nhà may gia công, kiếm nguồn hàng, các khuyến mại giảm giá chỉ do nhà phân phối đơn phương tổ chức... Các nhà sản xuất chỉ giới hạn ở việc sản xuất, toàn bộ khâu phân phối và tiếp thị thì hoàn toàn phó thác cho các nhà bán lẻ... Ngày nay, cơ sở hạ tầng sản xuất được hiện đại hóa, hệ thống phân phối được chú trọng và việc các hãng thời trang lớn xây dựng chuỗi phân phối riêng của mình không còn mới mẻ...”, bà Dương Thị Quỳnh Trang - Giám đốc Đối ngoại Big C phân tích.
Theo Bộ Công Thương, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2011 tới, bộ phận xúc tiến thương mại nội địa sẽ được bộ đặc biệt quan tâm xây dựng như chương trình trọng điểm. Theo đó, phối hợp với hiệp hội ngành hàng, ngành chức năng, doanh nghiệp... Bộ Công Thương sẽ tạo sự liên kết trong việc cung cấp thông tin thị trường nhằm tăng cường hợp tác và hạn chế việc cạnh tranh không lành mạnh. Nhà nước cũng sẽ có các chính sách đầu tư về cơ sở hạ tầng để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hệ thống phân phối, tiếp cận được đối tượng NTD ở các khu vực thị tứ, trung tâm...
THIỆN KHIÊM