Người vào Nhà Trắng và thỏa thuận hạt nhân Iran
(BDO) Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào đầu tháng 11 tới được chờ đợi sẽ có tác động theo hai chiều hướng khác nhau đối với việc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).
Tuy nhiên, giới phân tích đang tỏ ra bi quan, cho rằng bất luận kết quả thế nào, cơ hội cứu vãn thỏa thuận cũng rất mong manh, bởi thời gian không còn nhiều cho những nỗ lực từ phía Iran.
Giới phân tích đưa ra 2 tình huống. Thứ nhất, nếu ứng cử viên Donald Trump giành chiến thắng, mọi chuyện coi như không cần bàn nữa, bởi chính sách của ông Trump đối với thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ không có thay đổi gì. Thứ hai, nếu ứng cử viên Joe Biden giành chiến thắng, JCPOA có cơ may được cứu vãn, với điều kiện nhất định.
Tình huống thứ hai này sẽ có ảnh hưởng tích cực hơn đối với JCPOA. Nhưng, nhìn vào thực tế hiện nay, giới phân tích lại cho rằng không có gì bảo đảm JCPOA sẽ được cứu ngay cả khi ông Biden thắng cử. Tại sao?
Tổng thống Iran Hassan Rouhani.
Chính người Mỹ đã làm tiêu tan mọi cơ hội đàm phán, dù cho cả phía Mỹ và Iran đều có thiện chí. Ngay khi rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Trump đã áp đặt ngay lệnh trừng phạt kinh tế tối đa đối với Iran, kể cả việc cấm xuất khẩu dầu mỏ, nhằm tạo áp lực buộc Tehran đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân theo ý của Washington.
Phe chủ trương đối thoại đã ra sức lý giải cho hành động của Nhà Trắng nhưng không thể cứu vãn tình hình. Trao đổi với tờ Kar Va Kargar, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho rằng Iran không ngây thơ trong đàm phán với Mỹ, đồng thời cáo buộc Tổng thống Trump đã “thổi tung hết dư địa cho đàm phán”.
Ứng cử viên Dân chủ Joe Biden đã tuyên bố rằng ông sẽ đưa nước Mỹ tái tham gia JCPOA nếu Iran chịu trở lại chấp hành nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân, rồi sau đó sẽ tính đến chuyện đàm phán.
Giới bình luận Mỹ cho rằng, cho dù ông Biden giành chiến thắng, tức phe đối thoại có cơ hội lật lại thế cờ thì khả năng cứu vãn JCPOA cũng không còn nhiều. Người ủng hộ nhiệt tình nhất cho JCPOA ở Iran là đương kim Tổng thống Hassan Rouhani đã sắp hết nhiệm kỳ thứ hai và sẽ không tiếp tục ứng cử.
Một loạt nhân vật bảo thủ, kể cả một số người thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) đang sắp hàng chuẩn bị ra tranh cử. Họ là những người chủ trương thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, đồng thời giương cao ngọn cờ tự lực tự cường về kinh tế.
Trong khi đó, những người chủ trương cải cách như Tổng thống Rouhani vừa trải qua một thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử quốc hội hồi đầu năm. Không những thế, cuộc bầu cử còn đánh dấu tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục. Đặc biệt, giới trung lưu chuộng cải cách đang cảm thấy chán nản, mất niềm tin bởi những khó khăn về kinh tế do đại dịch COVID-19 và cả lệnh cấm vận của Mỹ gây ra. Người ta cho rằng muốn lôi kéo họ đi bỏ phiếu thì chí ít cuộc bầu cử Tổng thống Iran sắp tới phải tìm được ứng cử viên nào mang đến hy vọng có thể tái đàm phán với phương Tây.
Cơ hội để thuyết phục giới trung lưu đi bầu cử xem ra không còn nhiều. Nếu ông Biden giành chiến thắng, thì cũng phải đến 20-1-2021 ông mới chính thức nhậm chức, trở thành Tổng thống Mỹ để có thể đưa ra quyết định về đàm phán với Iran. Khi đó, khó khăn lại xuất hiện bên phía Iran. Thời gian từ đó cho đến ngày bầu cử Tổng thống Iran (18-6-2021) chỉ còn đúng 5 tháng, được cho là không đủ để phe cải cách thuyết phục người dân Iran đi bầu cử và bỏ phiếu cho người của mình.
Giới bình luận cho rằng, trong tình hình như thế, nếu ông Biden giành chiến thắng thì cùng lắm chỉ đủ để làm thay đổi về tâm lý ở Iran và lóe lên hy vọng về khả năng đàm phán thành công với Mỹ. Mặt khác, giới bình luận Iran cũng cho rằng do phe cải cách đã đánh mất cứ địa bầu cử, sẽ khó thuyết phục người dân đi bỏ phiếu. Thất vọng nhiều nhất với lầng lớp chính trị Iran là giới sinh viên, trí thức và cư dân đô thị - giai tầng xã hội từng giúp đưa ông Rouhani lên làm tổng thống bằng chiến thắng áp đảo năm 2013.
Những người chủ trương cải cách ở Iran đang tỏ ra bi quan khi nhìn về cuộc bầu cử quốc hội vừa qua và hướng đến cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Họ cho rằng quyền lực đang tuột khỏi tay mình và chuyển dần sang phe bảo thủ. Họ có khả năng sẽ nắm quyền ở tất cả các định chế chính trị, tôn giáo ở Iran sau cuộc bầu cử tháng 6-2021. Khi đó, đàm phán hạt nhân sẽ gần như vô vọng.
Nếu ông Biden thắng cử, chính ông sẽ phải hành động để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Iran. Đó là làm cách nào để thuyết người dân Iran quay trở lại với chính trị, đi bỏ phiếu và ủng hộ phe cải cách. Một giải pháp được giới phân tích đưa ra là với sự trợ giúp của 3 nước châu Âu Anh, Pháp và Đức, đồng thời cũng là thành viên JCPOA, Mỹ nên tranh thủ đàm phán sớm một thỏa thuận tạm thời, trong đó đưa ra một sáng kiến giải quyết nhanh một số vấn đề dễ giải quyết, còn những “khúc xương” khó thì để lại cho đến sau bầu cử Tổng thống Iran.
Mục đích của sáng kiến này chính là thuyết phục người dân Iran tin vào khả năng đàm phán thành công với Mỹ. Một lộ trình 3 bước để thực hiện thành công sáng kiến này sẽ được triển khai vào đầu năm 2021, với khởi đầu là thỏa thuận hạt nhân tạm thời vào giữa tháng 2-2021 trong đó đặt ra các điều kiện nền tảng để hai bên ký kết một thỏa thuận theo đó Iran đồng ý đóng băng các hoạt động hạt nhân vượt ra ngoài khuôn khổ JCPOA, từ đó tạo cơ sở cho chính quyền của ông Biden dỡ bỏ một phần cấm vận và tái gia nhập JCPOA.
Đó mới chỉ là giả thuyết. Trên thực tế, việc thuyết phục người Iran khó hơn nhiều. Trước mắt, việc Iran trở lại chấp hành nghiêm chỉnh toàn bộ JCPOA chỉ để đổi lấy việc Mỹ tái gia nhập thỏa thuận không còn tính khả thi cao. Sự mất niềm tin do chính quyền Trump tạo ra đã quá lớn, không thể khôi phục trong một vài tháng.
Theo CAND