Người trồng cao su tiểu điền: Bước vào mùa khai thác mới với nhiều nỗi âu lo!

Thứ năm, ngày 09/05/2013

  Người trồng cao su đang bước vào mùa thu hoạch mới với nhiều nỗi âu lo!

Tại nhiều địa phương, mặc dù mưa chưa đều, nhưng nhiều hộ đã sẵn sàng để khai thác mủ. Một số hộ đã mở miệng cạo ngay khi mới xuất hiện những cơn mưa nhỏ. Vào những ngày đầu tháng 5 này, số hộ trồng CS tiểu điền chuẩn bị công việc cột kiềng, đóng máng che mưa để bắt đầu mùa khai thác mới cũng nhiều hơn so với cuối tháng 4. Anh Nguyễn Văn Long, ngụ xã Tân Long, huyện Bến Cát, cho biết gia đình anh có khoảng 2 ha CS đang khai thác. Hiện anh Long cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để khai thác mủ vườn cây của gia đình, nhưng còn nấn ná vì sợ khai thác nửa chừng mà nắng hạn kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến vườn cây. Anh Long chia sẻ: “Thấy nhiều người bắt đầu cạo mủ, tôi cũng nôn nóng làm theo chứ mưa chưa đều mà khai thác sớm cũng cảm thấy lo!”.

Anh Long cho biết thêm, tại khu vực anh ở, nhiều người còn cạo sớm hơn gia đình anh, nhưng cây CS vẫn chưa cho nhiều mủ vì mưa chưa nhiều. Cũng theo anh Long, tiền mua kiềng, chén, máng không đáng kể; nặng nhất là số tiền mua phân bón cho vườn cây khi bước vào vụ thu hoạch. Nhiều nông dân cho biết,  giá mủ xuống thấp nhưng giá phân bón cho cây CS trong thời gian qua không những không giảm mà còn tăng. Bước vào vụ thu hoạch, các chủ vườn phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua phân bón; trong khi số tiền thu được từ mùa cạo năm trước không còn nên nhiều người phải ứng tiền của các đại lý thu mua mủ rồi trả dần.

Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 142.700 ha CS. Trong đó, diện tích CS quốc doanh là 54.633 ha, diện tích CS tiểu điền là 88.085 ha. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2012 diện tích CS tiểu điền tăng gần 3%, trong đó diện tích đang khai thác là 68.214 ha, còn lại là diện tích kiến thiết cơ bản. Năng suất trung bình của vườn CS tiểu điền tại Bình Dương đạt 1,4 tấn/ha.

Đối với người trồng CS tiểu điền thì giá thu mua mủ được  họ quan tâm nhiều nhất và luôn là nỗi lo thường trực của họ. Bước vào mùa cạo mới, giá thu mua mủ CS chỉ dao động ở mức  trên dưới 400 đồng/độ, chưa bằng một nửa giá bán mủ năm 2011 và thấp hơn rất nhiều so với giá bán mủ của những mùa cạo trước. Với giá này, mặc dù người trồng CS chưa lỗ nhưng không lãi nhiều. Nhiều người lo lắng năm nay cây CS sẽ bị thất thu vì giá bán mủ ở thời điểm cuối vụ thường thấp hơn đầu vụ. Anh Thọ, ngụ tại xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo, lo lắng nói: “Năm vừa rồi thu nhập của những người trồng CS tiểu điền như chúng tôi giảm vì giá mủ thấp, nhưng năm nay giá bán mủ còn thấp hơn cả năm rồi, khiến chúng tôi thấp thỏm không yên. Nếu giá mủ xuống thấp hơn nữa thì người trồng CS sẽ rơi vào tình trạng khó khăn vì ai cũng vay mượn để đầu tư, nhưng thu nhập như vậy thì khó có khả năng trả nợ”!

Có thể thấy, tại nhiều địa phương trong tỉnh nhiều hộ chọn cây CS vì đây là cây trồng chủ lực có thể giúp họ đổi đời. Do vậy, một khi mủ CS mất giá, nhiều hộ trồng CS sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn. Do vậy, việc kết hợp trồng CS với các mô hình kinh tế khác như chăn nuôi, trồng xen cây cảnh để tận dụng diện tích, tăng thu nhập nhằm cải thiện đời sống các hộ trồng CS tiểu điền nhằm mục đích phát triển bền vững là bài toán cần được tính đến. Lấy ngắn nuôi dài khi giá mủ xuống thấp cũng là cách để duy trì diện tích vườn cây hiện có.

 CAO SƠN