Người trồng cao su lo lắng vì mủ rớt giá

Thứ sáu, ngày 10/08/2012

Ngay từ khi bước vào mùa khai thác mới 2012, nhiều nông dân trồng cao su (CS) đã nhận định giá mủ CS năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái, nhưng không hề nghĩ đến chuyện giá mủ sẽ xuống mức thấp như hiện nay. Hiện tại, nhiều nông dân trồng CS đã bắt đầu cảm thấy lo lắng và đang tính đến chuyện sẽ ngưng thu hoạch để dưỡng cây nếu giá mủ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.  Nhiều người trồng CS đã bắt đầu tỏ ra lo lắng với giá bán mủ hiện tại. Trong ảnh: Nông dân đang thực hiện các thao tác đo độ mủ CS

Thu nhập không bằng một nửa!

Liên tục mấy năm liền, người trồng CS trong tỉnh “thắng” lớn. Nhiều chủ vườn thu về hàng tỷ đồng/năm từ vườn cây của gia đình. Nhờ CS có giá nên nông dân tại một số địa phương trong tỉnh đua nhau xây nhà, mua xe hơi và sắm sửa phương tiện sinh hoạt gia đình. Lúc ấy, giá mủ CS đang ở mức cực thịnh từ 850 - 900 đồng/độ. Bắt đầu mùa cạo 2012, giá mủ cao su tuy có giảm so với năm 2011, nhưng vẫn duy trì ở mức từ 600 - 650 đồng/độ. Tuy nhiên, giá mủ liên tục sụt giảm và đến thời điểm hiện nay thì chỉ còn ở mức 450 - 460 đồng/độ, giảm hơn một nửa so với thời điểm năm 2010-2011. Giá mua mủ xuống thấp khiến thu nhập của người trồng CS giảm.

Ông Đinh Văn Quyền, ngụ tại xã Phước Sang, huyện Phú Giáo, cho biết: “Thời gian qua, người trồng CS gặp khá nhiều khó khăn. Trước tiên là dịch bệnh trên cây CS hoành hành, kế đến là thiên tai gió bão làm gãy cây, cùng với đó là vật tư đầu vào tăng... nên ảnh hưởng nhiều đến thu nhập. Tuy nhiên, nếu giá mủ đứng ở mức cao thì còn đỡ, còn giá mủ xuống thấp thì xem như lỗ vốn. Năm nay, giá mủ CS xuống quá thấp, không bằng một nửa của năm trước nên mức thu nhập của chúng tôi đã giảm hơn một nửa. Nếu thời gian tới giá mủ tiếp tục giảm thêm chắc chúng tôi phải tính đến chuyện ngưng cạo để dưỡng cây”.

Ngoài những bất lợi mà ông Quyền chia sẻ, thực tế còn cho thấy giá công lao động năm nay cũng tăng lên, làm cho các chủ vườn tiêu tốn thêm chi phí. Chi phí tăng, giá mủ giảm, nhưng một số người trồng CS cho biết họ không thể không khai thác. Anh Trần Văn Hoàng, chủ một vườn CS tại xã Định An, huyện Dầu Tiếng, chia sẻ: “Giá mủ CS có xuống thấp hơn nữa thì chúng tôi vẫn phải tiếp tục khai thác, vì ngoài nguồn thu nhập từ CS gia đình tôi không còn nguồn nào khác!”.

Người trồng cao su nên bình tĩnh

Trước tình hình giá mủ CS xuống thấp, một số người trồng CS có vườn cây trên 10 năm tuổi đã bắt đầu tính đến phương án thanh lý vườn cây để trồng mới, đón đầu đợt tăng giá CS trong chu kỳ tới. Theo nhận định của nhiều chủ vườn, giá CS lên xuống theo chu kỳ khoảng 5 - 6 năm/lần. Anh Hưng, ngụ tại xã An Bình, huyện Phú Giáo, cho biết dù mới cạo được hơn 10 năm, nhưng vườn CS của gia đình anh có dấu hiệu giảm năng suất. Tranh thủ thời điểm giá mua mủ xuống thấp như hiện nay, anh Hưng dự tính thanh lý vườn cây để trồng mới. “Tôi đang lo là trong thời gian tới giá mủ xuống thấp sẽ có nhiều chủ vườn thanh lý vườn cây và khi đó giá bán cây cũng xuống”, anh Hưng nói.

Theo ông Bùi Quang Chánh, Trưởng phòng Nông nghiệp - Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, người trồng CS nên bình tĩnh, bởi tính toán của một số chủ vườn nói trên có thể dẫn đến sai lầm. Hiện tại, không riêng cây CS mà hầu hết các lĩnh vực khác của ngành nông nghiệp đều gặp khó khăn, trong đó lĩnh vực chăn nuôi là dễ thấy nhất. Trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, giá bán sản phẩm nông nghiệp sụt giảm là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu xét về tổng quan có thể thấy so với các mùa cạo trước đó giá mủ CS mùa này mặc dù có xuống thấp, nhưng vẫn chưa phải là mức giá thấp nhất từ trước đến nay. Nếu vườn cây CS được chăm sóc tốt, cho năng suất ổn định thì với giá bán hiện tại, người trồng CS vẫn có nguồn thu khá ổn định. Do vậy, người trồng CS cần cân nhắc các mặt lợi, hại trước khi đi đến quyết định thanh lý vườn cây.

Ông Bùi Quang Chánh cho rằng, hiện có nhiều vườn CS tiểu điền buộc phải thanh lý là do khai thác không đúng quy trình, trong đó nguyên nhân sâu xa là do khai thác khi độ vanh chưa đủ, chế độ cạo D2 làm cây suy kiệt, đầu tư phân bón không phù hợp làm năng suất vườn cây thấp. “Đừng thấy người ta thanh lý vườn cây, rồi mình cũng thanh lý vườn cây, trong khi vườn cây của mình thì đang tươi tốt, cho năng suất cao”, ông Chánh khuyến cáo.

Toàn tỉnh hiện có trên 130.000 ha CS, trong đó diện tích CS tiểu điền chiếm trên 80.000 ha, diện tích đã cho khai thác gần 70.000 ha. Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, năng suất bình quân vườn cây CS ở Bình Dương đạt từ 1,5 - 1,7 tấn/ha.

Đà Bình