Người trồng cao su lại lo thất thu
(BDO) Từ đầu năm đến nay, giá mủ cao su liên tục sụt giảm, từ 300 đồng/độ đầu mùa khai thác đến nay giảm còn 240 - 260 đồng/độ. Giá thấp, mưa lại xảy ra nhiều vào ban đêm khiến nhiều gia đình trồng cao su ở huyện Phú Giáo không thể thu hoạch mủ.
Anh Lê Văn Quang, ngụ ấp 9, xã An Linh, Phú Giáo, rầu rĩ cho biết từ đầu mùa cạo đến nay đã gần 2 tháng nhưng gia đình anh mới cạo được chưa đến 15 dao mủ (khoảng 1 tháng cạo chế độ D2), thời gian còn lại phải nghỉ cạo do gặp mưa kéo dài. Riêng từ đầu tháng 6 đến nay, gia đình anh đã nghỉ cạo 10 ngày liên tục. Giá mủ cao su thấp đã đành, lại kèm theo mưa nhiều, mưa liên tục khiến sản lượng mủ, độ mủ của cây giảm. So với thời điểm này năm trước, sản lượng mủ vườn cao su của gia đình anh năm nay giảm chỉ còn khoảng 2/3; còn độ mủ, theo nguyên lý cây càng nhiều tuổi độ mủ cao nhưng năm nay, mủ giảm xuống 4 - 5 độ.
Người dân trồng cao su ở Phú Giáo làm vệ sinh vườn cây chuẩn bị cho việc thu hoạch mủ. Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Cùng tâm trạng như anh Quang, ông Lê Văn Vọng, ngụ ấp 6, xã An Linh, chia sẻ khó khăn là vậy, nhưng vì nguồn thu nhập chính của gia đình là từ cây cao su nên thời tiết thất thường gia đình cũng tranh thủ cạo để có nguồn thu trang trải cuộc sống. Ông Lê Bá Châu, chuyên thu mua mủ cao su, ấp 6, xã An Linh, cho hay những ngày này sản lượng mủ cao su ông thu mua mỗi ngày chỉ đạt khoảng 2/3 so với cùng kỳ năm trước; có những ngày ông chỉ thu mua được 400 - 500kg mủ.
Theo ông Châu, mưa xảy ra nhiều vào ban đêm, cộng với tình trạng gió mạnh làm cây cao su ẩm, thân cây bị ẩm ướt thường xuyên, gốc cây bị long hở đã tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng, hình thành mủ trong thân. Năm nay, nhiều mối quen của ông có khi cả tuần, thậm chí 10 ngày không khai thác được mủ để bán; số hộ có mủ bán thì chỉ bằng phân nửa so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Trường Hải, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Phú Giáo, cho biết thời gian gần đây giá mủ xuống thấp, mưa nhiều đã tác động không nhỏ đến sản lượng, chất lượng mủ của cao su. Tuy nhiên, đó là yếu tố khách quan, người trồng cao su cần nỗ lực giữ vườn cây, không vì vậy mà phá bỏ cây cao su; đồng thời thực hiện việc chuyển chế độ cạo, giãn chế độ cạo để dưỡng sức cho cây; tăng cường chăm sóc, bón những loại phân có nhiều vi lượng, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng, độ cứng cho cây nhằm hạn chế gãy đổ. Các hộ trồng cao su cũng cần thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện, xử lý các loại bệnh thường gặp trên cây cao su vào mùa mưa, như bệnh rụng lá Corynespora, bệnh nấm hồng, nứt vỏ do nấm Botryodiplodia, rụng lá mùa mưa... để duy trì vườn cây phát triển tốt cho những vụ mùa sau. Trạm cũng sẽ chỉ đạo cán bộ chuyên môn tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện tình hình bệnh trên cây cao su để đưa ra thông báo cho người nông dân phòng trừ có hiệu quả.
HOÀI PHƯƠNG