Người tiêu dùng cần cảnh giác với dư lượng Nitrat trong rau quả quá cao
Nitrat khi vào cơ thể ở mức bình thường không gây hại. Tuy nhiên trong tiêu hóa, Nitrat được khử thành Nitrit sẽ chuyển oxy-hemoglobine là chất vận chuyển oxy
trong máu thành chất methaemoglobine không hoạt động được. Vì vậy, nếu lượng Nitrat vượt quá mức cho phép, lượng Nitrit sẽ nhiều lên và làm giảm hô hấp của tế bào gây ra những hậu quả khôn lường, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp gây đột biến và phát triển khối u dẫn đến ung thư.
Rau củ quả trồng theo mô hình sạch, an toàn sẽ hạn chế lượng Nitrat
Chị Lê Thị Kim Loan, Phó Trưởng phòng Thông tin truyền thông và Quản lý ngộ độc - Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, Nitrat tự nó không có hại. Chất có hại chính là Nitrit, một chất biến dạng của Nitrat. Nếu lượng Nitrat vượt quá mức cho phép, lượng Nitrit sẽ nhiều lên và làm giảm hô hấp của tế bào gây ra những hậu quả khôn lường, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp gây đột biến và phát triển khối u dẫn đến ung thư. Người lớn nếu hấp thu Nitrat quá nhiều có thể bị ngộ độc cấp tính, còn nếu hấp thụ ít hơn nhưng lâu dài, cơ thể tích lũy Nitrat trong một thời gian dài sẽ gây ra nhiều bệnh nguy hại như ung thư dạ dày, ung thư vòm họng... Đối với trẻ em càng nguy hiểm. Trước mắt nó làm cho trẻ gầy yếu, xanh xao, vàng vọt dễ dẫn đến những bệnh nặng gây tử vong.
Trước tác hại của Nitrat, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra tiêu chuẩn hàm lượng Nitrat cho từng loại rau cụ thể. Chẳng hạn, cải bắp là 500mg/kg sản phẩm, cà chua là 150mg/kg sản phẩm, cà rốt là 250mg/kg sản phẩm; xà lách 1.500mg/kg sản phẩm; hành lá 400mg/kg sản phẩm; dưa chuột là 150mg/kg sản phẩm... Trong khi đó dư lượng Nitrat trong rau xanh ở Việt Nam lại quá cao so với quy định chung. Nguyên nhân là do các nhà trồng rau đã sử dụng những chất bảo vệ rau quả quá mức cho phép. Họ sử dụng rất nhiều hóa chất phun trừ sâu và các loại phân đạm, urê... để kích thích rau phát triển mạnh. Bởi Nitrat chính là chất dinh dưỡng cho cây cỏ để chúng có thể sinh trưởng.
Việc phòng tránh tác hại do
Nitrat tồn dư trong rau quả cao luôn được các bà nội trợ quan tâm. Tuy nhiên, các biện pháp nhằm bảo đảm ăn rau an toàn như: ngâm rau vào nước muối, dung dịch thuốc tím, đun nấu chín kỹ cũng không làm mất được Nitrat.
Muốn giải quyết tình trạng dư lượng Nitrat trong rau quả cao hiện nay, cách duy nhất là những người trồng rau phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong trồng và tưới bón rau màu; đặc biệt là phải giảm lượng phân đạm bón cho các loại rau.
Về phía người tiêu dùng, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình thì phải thận trọng khi chọn mua rau. Đặc biệt, cần cảnh giác với những loại rau xanh tươi, nõn nà một cách không bình thường. Các loại rau cỏ có chứa nhiều Nitrat tự nhiên như salad, củ cải đỏ, củ cải, củ cải cay, cây thì là... thì không nên ăn thường xuyên. Các loại rau củ quả có lượng Nitrat trung bình là cần tây, cà rốt non, cải bách thảo, cải xanh, bắp cải, xu hào, cà tím dái dê; lượng Nitrat thấp trong cà chua, dưa leo, ớt chuông, dưa hấu, đậu tròn, đậu trái, tỏi, hành, khoai tây... Các loại rau cỏ trồng theo phương pháp sạch, an toàn có chứa ít
Nitrat hơn các loại rau trồng truyền thống.
Ngoài ra, để giảm Nitrat nên dùng các loại lương thực có lượng Nitrat cao chung với các loại có nhiều Vitamine C như nước trái cây, trái cây... đồng thời áp dụng theo phương pháp sau: mùa nào sử dụng loại rau nấy, dùng các loại rau trồng ngoài vườn; trẻ nhỏ dưới 5 tháng không nên ăn rau bina, củ cải đỏ; nên bỏ các cọng và các lá già của các loại rau có nhiều Nitrat; nhúng rau sơ qua nước sôi có thể giảm lượng Nitrat từ 30 - 50%; nên đổ bỏ nước luộc rau có nhiều Nitrat; không nên hâm nóng các món rau (canh) có nhiều Nitrat, vì khi hâm lại Nitrat có thể bị biến đổi thành Nitrit; các loại thịt nguội có màu hồng không nên nướng hoặc chiên (xúc xích Ðức).
THU THẢO