Người thương binh tàn nhưng không phế
(BDO) Không chỉ được biết đến là một cựu chiến binh (CCB) có nhiều đóng góp cho công tác hội, ông Bạch Ngân (ảnh) ở ấp Bà Phái, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng còn được biết đến là tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.
Sinh năm 1936, ông Ngân sớm giác ngộ cách mạng từ nhỏ và tham gia kháng chiến lúc 13 tuổi. Từ một cậu bé giao liên của xã đội Long Nguyên trong kháng chiến chống Pháp đến anh chiến sĩ công an vũ trang Đoàn 180 bảo vệ Trung ương Cục miền Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sau ngày giải phóng, ông được phân công về tham gia xây dựng chính quyền ở Tây Ninh. Năm 1977, ông xin trở về quê tham gia vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng kinh tế gia đình.
Trong muôn vàn khó khăn, ông đã tổ chức cho gia đình khai hoang phục hóa cấy lúa, trồng đậu để giải quyết cuộc sống trước mắt. Sau đó, ông trồng điều, cao su theo kiểu cuốn chiếu. Từ năm 2010, lần lượt 20 ha cao su của gia đình ông đi vào khai thác mủ. Từ đây cuộc sống gia đình ông đi vào ổn định. Khi cuộc sống gia đình khá giả hơn, ông không quên giúp đỡ các đồng chí, đồng đội của mình. Năm 2006, ông thuyết phục gia đình bỏ ra 60 triệu đồng cho Chi hội CCB ấp Bà Phái mượn làm vốn cho hội viên vay để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Bản thân ông còn gương mẫu trong phong trào xây dựng quỹ hội… Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông đã vận động gia đình hiến tặng 400m2 đất và 30 cây cao su đang trong thời kỳ khai thác mủ để làm đường giao thông nông thôn.
Ông Bạch Ngân tâm sự: “Trước những khó khăn, tôi luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và nhớ lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”. Đó chính là động lực thúc đẩy tôi vươn lên lao động sản xuất để chiến thắng đói nghèo”.
HỒNG PHƯƠNG