Người thương binh làm kinh tế giỏi
(BDO) Vượt hơn 50km về xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên nơi mà gia đình ông Tô Hữu Phúc, thương binh 4/4 đang sinh sống. Ông được mọi người trong xã nhắc đến như một tấm gương thương binh điển hình làm kinh tế giỏi. Từ trên cao nhìn xuống khu vườn cây ăn quả của ông, ai cũng phải trầm trồ khen ngợi vì một màu xanh trải dài xanh mướt.
Ông Tô Hữu Phúc đang chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về ông là một người thương binh đầy lạc quan, yêu đời với một nụ cười luôn thường trực trên môi. Với dáng gầy, tầm thước, nét mặt hiền lành, giản dị đó là chân dung người thương binh Tô Hữu Phúc.
Ông Phúc sinh ra trong một gia đình nông dân ở Bến Tre. Năm 19 tuổi, ông cũng như bao thanh niên khác tình nguyện lên đường nhập ngũ. Từ 1964, ông là y sĩ và sau đó được đơn vị chuyển qua đội phẫu thuật dã chiến ở Phân khu 5 (thuộc Quân khu miền Đông) lúc bấy giờ. Ông bị thương mất nửa bàn chân trong lúc đang phục vụ đợt chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Năm 1976, ông về công tác tại Cục Chính trị, Quân khu 7 với vai trò là một bác sĩ, sau đó ông tiếp tục đi phục vụ ở chiến trường Campuchia với vai trò là Trưởng đoàn quân y của đoàn chuyên gia quân sự. Năm 1987, ông về nước và công tác tại Sở Y tế tỉnh Bến Tre và sau đó nghỉ hưu năm 1993.
Trong điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, làm gì để bảo đảm cuộc sống là câu hỏi luôn trăn trở trong ông. Thấm nhuần lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, sau khi hùn vốn nuôi tôm bị thất bại ở quê nhà, năm 1998 ông về Bình Dương lập nghiệp với 2 bàn tay trắng. Được sự động viên giúp đỡ của bạn bè, đồng đội năm xưa, ông mua được hơn 9 ha đất để trồng các loại hoa màu như mía, mì, bắp nhưng lợi nhuận không đáng là bao. Dần dần, ông được vay vốn của địa phương, ông chuyển đổi cơ cấu cây trồng với cây cam, cây bưởi. Do áp dụng khoa học kỹ thuật tốt, nên mỗi vụ, ông thu lại lợi nhuận khá cao. Hàng năm, gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng.
Nhớ lại chặng đường vất vả đã qua, ông bùi ngùi xúc động, không nghĩ với sức mình mà ông có thể vượt qua được quãng đường khó khăn đó. Ông kể, đã thất bại nhiều lần nhưng bản thân không ngại và bỏ cuộc, vì gia đình, vì các con hiểu hơn câu nói: “chỉ có ăn học mới thay đổi được số phận cuộc đời”. Thế nên, với cương vị là người cha, người chồng trong gia đình, ông luôn khuyên nhủ, dạy bảo các con phải cố gắng học tập trở thành người tốt, người hữu ích cho xã hội, nuôi sống được bản thân và cũng thường dặn dò: ba mẹ không có gì cho các con ngoài cái chữ, phải ráng học để không phụ lòng ba mẹ. Hiểu được lòng cha, ý mẹ, các con của ông đều ra sức học tập và cả 3 anh em đều đã thi đậu vào các trường đại học. Hiện nay, các con ông đều là những bác sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế đồ họa giỏi giang mà ông luôn tự hào.
Sự cố gắng, phấn đấu vượt khó nỗ lực vươn lên của người thương binh Tô Hữu Phúc không thể đong đếm bằng vật chất mà cao quý thay đó là sự nỗ lực, chăm sóc bằng sức “tàn” nhưng không phế để xây dựng kinh tế giỏi, nuôi dạy các con ăn học thành tài. Điều đó đáng trân trọng bởi ẩn sau sự tần tảo hy sinh của người cha là hình ảnh người lính Cụ Hồ dũng cảm chiến đấu, xung kích trước mọi mặt trận, là một minh chứng thiết thực và gần gũi cho câu nói “tàn nhưng không phế” của biết bao người thương binh vẫn âm thầm dâng hiến và tô điểm cho cuộc sống ngày một tươi đẹp và hạnh phúc hơn.
HUỲNH THỦY