Người thương binh cụt chân vượt Trường Sơn
Trở lại khu A ấp Tân Phước, thuộc xã Tân Bình, huyện Dĩ An gặp lại người thương binh năm xưa, tôi không thể nào nghĩ anh là thương binh cụt chân. Từ cách ăn nói, ứng xử, đi lại của anh đều thể hiện lối sống lạc quan, yêu đời như người lành lặn, khiến người ta không thể ngờ rằng, anh khiếm khuyết một phần cơ thể vì chiến tranh. Anh từng là phóng viên báo Quyết Thắng - Tiếng nói của Tỉnh đội Thủ Dầu Một thời chống Mỹ cứu nước.
Anh tên thật là Nguyễn Bằng Phi, bí danh Nguyễn Khắc Chí (tên thường gọi là Chín Long). Sinh ra và được nuôi dưỡng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, bà nội và mẹ anh đều được Nhà nước tuyên dương bà mẹ Việt Nam anh hùng. Gia đình anh hiện giờ là nơi hội tụ 30 đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặc dù trưởng thành từ nhà trường chế độ cũ, nhưng được hấp thụ truyền thống cách mạng của gia đình, năm 1958, mới 17 tuổi anh đã tham gia công tác cách mạng trong lòng địch và năm sau (1959) thoát ly kháng chiến. Sau khi học xong khóa huấn luyện tân binh ở chiến khu, anh được điều về Ban Chính trị Tỉnh đội. Về đơn vị mới công tác, anh cố gắng học hỏi những người đi trước và phấn đấu hoàn thành mọi công tác do cấp trên giao, nên sau đó anh được cử đi học lớp nghiệp vụ để trở về phụ trách việc lưu giữ hồ sơ mật.
Với tinh thần vì đồng đội, say mê công việc, chẳng bao lâu anh trở thành phóng viên. Giữa năm 1965, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đẩy cường độ chiến tranh lên mức ác liệt chưa từng thấy. Tại đây, chúng thí nghiệm tất cả mọi loại vũ khí chiến tranh. Trong đó có loại mìn zíp (được rải từ trên máy bay xuống mặt đất) với hình dáng, màu sắc hợp với lá cây khô lìa cành rơi rụng, rất khó phân biệt. Loại mìn này được rải theo các đường chân trong rừng, nhất là đi ban đêm rất khó nhận dạng để tránh, mà hễ đạp lên nó nổ là phải cưa chân. Biết bao cán bộ, chiến sĩ cách mạng đã phải cưa chân vì nó. Chẳng may, năm 1966, trên đường đi công tác, anh Phi đạp phải mìn zíp đành mất một chân phải. Anh được đưa về quân y dã chiến, ở đó dụng cụ phẫu thuật còn quá thiếu thốn... nên các y sĩ phải dùng cưa sắt cưa mất khúc chân anh từ bàn chân lên khỏi mắt cá.
Thời gian sau, khi vết thương lành lặn, anh được đưa đi an dưỡng. Thời kỳ an dưỡng, anh chú tâm mày mò, nghiên cứu làm lại cái chân mới để hy vọng trở lại chiến trường. Chính khát vọng trở lại chiến trường đã không ngừng thôi thúc anh phác họa sơ đồ chi tiết làm chân giả bằng các loại vũ khí của địch bỏ lại rải rác trong rừng như gọng bom chụp; nòng súng, vỏ đạn và bạc khớp súng Garant M1; các loại đinh tán máy bay, xe tăng M41 và vỏ thùng bom bi; vỏ bom napalm; sắt rào ấp chiến lược; đinh pháo chụp và pháo M72; dây thắt lưng và dây dù Mỹ... Những nguyên vật liệu này được đồng đội tìm kiếm đem về đầy đủ, tạo điều kiện để anh chế tạo thành công chân giả với các tư thế đi đứng, đạp xe, trườn bò để chiến đấu. Trước tiên, anh chế tạo thành công chân giả cho mình đi lại tự nhiên, rồi sau đó tích lũy thêm kinh nghiệm anh làm thêm hàng trăm chân giả giúp cho anh chị em thương binh trong tỉnh, khu Sài Gòn - Gia Định và cả một số thương binh Campuchia. Tính chung thời gian an dưỡng, anh đã làm ra hơn 300 chân giả cung cấp cho anh chị em thương binh.
Sau cuộc hành quân mùa khô năm 1966-1967, với 45.000 quân Mỹ kết hợp và hàng loạt đợt ném bom B52 của không quân và pháo binh dày đặc trên không, dưới đất hòng tiêu diệt Trung ương Cục miền Nam, anh được đưa ra miền Bắc an dưỡng theo đúng chính sách thương binh. Nhờ có chân giả tự làm, anh đã đi bộ vượt một phần tư đường Trường Sơn để đặt chân lên đất Bắc vào năm 1971. Ở miền Bắc, anh được đưa đi học thêm văn hóa ở Quân khu 3 đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, anh trở về Nam làm việc đến năm 1985 mới nghỉ hưu.
XUÂN KỲ