Người thổi “hồn Việt” vào sơn mài
(BDO) Bằng tình yêu và niềm tự hào, các nghệ nhân sơn mài đất Thủ, trong đó có Nghệ nhân ưu tú Trương Quan Tịnh, không chỉ tạo ra các sản phẩm mang giá trị cao mà còn quảng bá di sản văn hóa qua những tác phẩm để lưu truyền cho thế hệ mai sau.
Với Nghệ nhân ưu tú Trương Quan Tịnh, công cuộc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa không chỉ là sứ mệnh của Nhà nước mà là của toàn dân. Ảnh: HỒNG THUẬN
Trong nhịp sống hối hả và sôi động của thời kỳ đổi mới, Nghệ nhân ưu tú Trương Quan Tịnh (Năm Tịnh, sinh năm 1949) vẫn đêm ngày miệt mài, dành tâm huyết và tình cảm của mình để sáng tạo nên những tác phẩm sơn mài truyền thống có giá trị cho đời. Với nghệ nhân ưu tú này, công cuộc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa không chỉ là sứ mệnh của Nhà nước mà là của toàn dân.
Gặp gỡ nghệ nhân U80 này trong những ngày cuối năm Quý Mão 2023, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng tác phẩm mới ra lò của ông. Chiếc lộc bình sơn mài sáng loáng với hình ảnh đờn ca tài tử, cồng chiêng Tây nguyên, nhã nhạc cung đình Huế, hát quan họ được thể hiện hài hòa, góp phần tôn vinh giá trị độc đáo của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận.
Mỗi loại hình văn hóa, nghệ thuật đều gắn với những không gian văn hóa tiểu biểu, nơi các nghệ nhân biểu diễn cùng những sắc hoa đại diện cho đặc trưng của các vùng miền. Đặc biệt, ấn tượng nhất là loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ với hình ảnh chùa Hội Khánh, một ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Bình Dương và những đóa sen hồng tươi mang ý tưởng “miền Nam nhớ mãi ơn Người - Hồ Chí Minh”.
Nghệ nhân ưu tú Trương Quan Tịnh chăm chút cho chiếc lộc bình mới hoàn thành của mình
Dẫu chỉ là hình ảnh, nhưng khi chiêm ngưỡng chiếc lộc bình này, chúng tôi dường như được sống trong những cung bậc cảm xúc rất thiêng liêng, tưởng như mình dự yến tiệc thưởng thức nhạc cung đình Huế với những điệu hò ngọt ngào trên sông Hương, đang được đắm chìm trong cảnh hát ngày xuân, được nghe những làn điệu quan họ khi thì khoan thai dìu dặt, lúc lại da diết nhớ thương. Chúng tôi cũng tưởng như mình đang hòa vào không khí sôi nổi rực rỡ sắc màu núi rừng ở lễ hội cồng chiêng Tây nguyên, như đang du ngoạn miệt vườn Nam bộ cùng các thể điệu rộn ràng sắc xuân vui, những điệu lý, câu hò, vọng cổ réo rắt níu chân du khách…
Trò chuyện với chúng tôi, Nghệ nhân ưu tú Năm Tịnh cho biết do tiếp xúc với đờn ca tài tử từ nhỏ và cũng từng có thời gian theo học nên những tình cảm của ông dành cho loại hình nghệ thuật này nhiều hơn. Để vẽ về loại hình di sản này, ông đã tìm tòi học hỏi, nghiên cứu từ rất lâu về các loại nhạc cụ: Đờn ghi ta phím lõm, đờn kìm (đờn nguyệt), đờn tranh, đờn cò… cùng phong cách biểu diễn và bối cảnh sao cho hài hòa, vừa tôn vinh nghệ thuật, vừa tạo ấn tượng với bạn bè khắp nơi. Thông qua tác phẩm mới này, ông muốn lưu giữ những vẻ đẹp độc đáo, góp phần quảng bá, giúp cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ nâng cao hiểu biết về di sản văn hóa của nước nhà, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc.
Với ông Năm Tịnh, văn hóa là di sản quý báu của toàn dân tộc, được các thế hệ người Việt Nam giữ gìn, phát huy. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, các giá trị văn hóa Việt Nam đã được lan tỏa, bạn bè thế giới ghi nhận, trở thành một phần trong kho tàng văn hóa nhân loại. Các giá trị văn hóa không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam mà đã trở thành một nguồn lực nội sinh quan trọng cho phá t triển.
Theo Nghệ nhân ưu tú Năm Tịnh, các loại hình nghệ thuật di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận có rất nhiều, ông mới thử sáng tác 4 loại hình âm nhạc và còn đang ấp ủ đưa hình ảnh hát then, hát ví dặm vào tác phẩm. Do đó, sắp tới đây ông sẽ tiếp tục tạo tác thêm một chiếc lộc bình có vóc hơn 30 năm tuổi cũng với chủ đề này nhưng hứa hẹn sẽ tinh xảo và độc đáo hơn.
Với ông Năm Tịnh, văn hóa là di sản quý báu của toàn dân tộc, được các thế hệ người Việt Nam giữ gìn, phát huy từ đời này sang đời khác. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, các giá trị văn hóa Việt Nam đã được lan tỏa, bạn bè thế giới ghi nhận, trở thành một phần trong kho tàng văn hóa nhân loại. Các giá trị văn hóa không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam mà đã trở thành một nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển. |
MINH HIẾU