Người thầy thuốc phải sáng y đức, giỏi y thuật

Thứ tư, ngày 27/02/2019

(BDO) Từ xưa đến nay, cùng với người thầy giáo, người thầy thuốc luôn được xã hội đề cao và tôn trọng, bởi “lương y như từ mẫu” - thầy thuốc như mẹ hiền. Trong “Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế” tháng 2-1955, Hồ Chủ tịch đã nhắc nhở nhiệm vụ của người thầy thuốc: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”.

 Đã có biết bao tấm gương thầy thuốc giỏi y thuật, sáng y đức tận tụy cứu chữa, chăm sóc người bệnh, coi nỗi đau của người bệnh như chính nỗi đau của mình. Chỉ có người thầy thuốc mới đem lại sự tin yêu, gởi gắm của người bệnh, của người thân. Chỉ có người thầy thuốc mới cứu sống người bệnh qua cơn thập tử nhất sinh. Niềm tin của người bệnh đối với người thầy thuốc là vô hạn.

Chúng ta ghi nhận những đóng góp to lớn, những hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ y tế, y bác sĩ đang ngày đêm cần mẫn chăm sóc, phục vụ người bệnh. Có những thầy thuốc quên ăn, quên ngủ với hy vọng sớm tìm ra căn nguyên của căn bệnh, giành lại sự sống cho người bệnh nhưng cũng rất bất bình trước những việc làm thiếu trách nhiệm, vô lương tâm của một số cán bộ, nhân viên tế, y bác sĩ. Ðối với phần lớn những người làm ngành y, thì việc nâng cao y đức trước tiên là việc nâng cao tay nghề, cùng với đó là việc nâng cao tinh thần trách nhiệm để tận tụy với người bệnh. Ðiều cốt lõi nhất của y đức vẫn xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm của những người thầy thuốc.

Chúng ta cũng rất vui khi thấy đội ngũ y, bác sĩ trên cả nước đang ngày đêm tận tụy cứu chữa, chăm sóc người bệnh. Ngày càng nhiều bác sĩ trẻ tình nguyện về các bệnh viện vùng sâu vùng xa, nơi nghèo khó công tác. Những cuộc hành trình vì bệnh nhân nghèo, những chuyến đi khám, chữa bệnh từ thiện và phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số… đang được cộng đồng xã hội khen ngợi.

Trong xã hội, nghề nào cũng cần có đạo đức nghề nghiệp. Nghề y là trị bệnh cứu người vì vậy lại càng coi trọng y đức. Nhằm khắc phục tình trạng y đức giảm sút, thiết nghĩ ngoài việc chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục vấn đề y đức thì cần có sự quan tâm về chính sách đãi ngộ thỏa đáng, chăm lo đời sống cán bộ y tế cả vật chất lẫn tinh thần. Đây là điều kiện để đội ngũ người thầy thuốc yên tâm sống với nghề và đem hết sức mình phục vụ chăm sóc người bệnh, góp phần nâng cao y đức, y thuật…

NHẬT HUY