“Người thầy không đứng trên bục giảng”

Thứ năm, ngày 06/12/2018

(BDO) Không giảng đường, không bục giảng nhưng với những kiến thức, kỹ năng và tình cảm mà đội ngũ cán bộ trung đội trưởng đã dành cho đơn vị, cho từng chiến sĩ thật vô cùng ý nghĩa và xứng đáng với cụm từ: “Người thầy không đứng trên bục giảng”!

 Trung đội trưởng là những “người thầy không đứng trên bục giảng”, trực tiếp quản lý, chỉ huy bộ đội từ những ngày đầu mới nhâp ngũ. Gắn bó với môi trường quân sự đặc thù, đa dạng về đối tượng, hoàn cảnh gia đình, trình độ nhận thức, tính cách cũng khác nhau, cũng là điều kiện để các anh thể hiện nhiệt huyết của tuổi trẻ, niềm đam mê nghề nghiệp; coi đơn vị là nhà, đồng đội là anh em, để cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ, tất cả vì đàn em thân yêu. Ở đâu có hoạt động, công tác của bộ đội, ở nơi đó có các anh, với miệng nói tay làm, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn, uốn nắn, rèn luyện phương pháp, tác phong cho chiến sĩ. Bởi các anh hiểu rằng, nhân cách, tác phong quân nhân ảnh hưởng rất lớn từ sự mẫu mực, mô phạm, gương mẫu trong lời nói, việc làm của đội ngũ cán bộ quản lý.

Trung đội trưởng - những “người thầy không đứng trên bục giảng” trong giờ huấn luyện. Ảnh: P.T.N

Bên cạnh đó, để bảo đảm đơn vị vững mạnh về chính trị, các anh luôn chú trọng giáo dục, bồi dưỡng cho chiến sĩ xác định rõ động cơ, thái độ, trách nhiệm trong học tập, rèn luyện theo mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị; xây dựng nếp sống chính quy, đời sống vật chất, tinh thần phong phú và môi trường văn hóa trong đơn vị; có lúc cương quyết trong mệnh lệnh, chỉ huy, có những lúc mềm dẻo, thân tình, gần gũi để hiểu tâm tư, nguyện vọng, từ đó kịp thời động viên chia sẻ, giúp đỡ chiến sĩ vượt qua khó khăn, an tâm học tập, công tác.

Đêm về, khi bộ đội đã say trong giấc ngủ, các anh lại miệt mài với những trang giáo án của các nội dung huấn luyện. Đó là niềm vinh dự và là cơ hội để các anh khẳng định mình trong hoạt động quân sự. Thành công của những buổi huấn luyện đối với trung đội trưởng là cả một quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, bám sát và vận dụng quan điểm, nguyên tắc, phương châm huấn luyện. Vai trò của một “người thầy” thể hiện đặc sắc trong huấn luyện, hướng dẫn, duy trì ôn luyện, uốn nắn, sửa sai, tổ chức rút kinh nghiệm, chủ động khắc phục những hạn chế trong quá trình học tập, giúp chiến sĩ từng bước hoàn thiện mình, đồng thời nâng cao chất lượng huấn luyện của đơn vị.

Tiếp tục đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua đội ngũ cán bộ trung đội trưởng - những “người thầy không đứng trên bục giảng” ở Trung đoàn 31 (Quân đoàn 4) đã không ngừng phấn đấu, vươn lên, nêu cao tinh thần “rèn cán, rèn binh, rèn mình, rèn chiến sĩ”, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, tự giác học tập, chủ động tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ, sàng lọc tiếp thu kinh nghiệm để làm giàu kiến thức; đấu tranh cương quyết với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đơn vị. Kết quả của sự phấn đấu không biết mệt mỏi ấy của trung đoàn được đánh giá trong hội thi Trung đội trưởng giỏi năm 2018. 100 cán bộ tham gia thi đều đạt khá giỏi, trong đó có 7 đồng chí đạt giỏi, tiêu biểu như các đồng chí Nguyễn Duy Hải, Bùi Thanh Trung, Bùi Thanh Hiệp, Trần Văn Tuấn…. Nhiều đồng chí đã được bổ nhiệm giữ chức vụ phó đại đội trưởng để tiếp tục phấn đấu khẳng định mình.

Tự hào là những “người thầy” ở trung đoàn hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, phát huy truyền thống 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các anh luôn xác định phải giữ vững niềm tin, phấn đấu, cống hiến nhiều hơn nữa, đóng góp công sức, tài năng, trí tuệ để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 PHAN THÁI NGUYÊN