Người nông dân không chỉ biết làm giàu
(BDO)
Ông Phấn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây có múi cho bà con nông dân
Ông Phấn năm nay đã bước qua tuổi 70 nhưng trông vẫn còn rất khỏe. Có lẽ công việc nhà nông đã giúp ông luôn duy trì sự dẻo dai và nhanh nhẹn. Mặc dù các trang trại của ông đều có người làm nhưng không vì thế mà ông cho phép mình nghỉ ngơi. Hàng ngày ông vẫn ra vườn hướng dẫn, nhắc nhở công nhân, truyền đạt kinh nghiệm, bí quyết sản xuất, những điều mà khó có trường lớp nào dạy được.
Ông Phấn cho biết, hiện gia đình ông có tổng cộng 62 ha trồng cây có múi. Trong đó có 3,6 ha trồng cam, quýt ở xã Trừ Văn Thố, mỗi năm thu từ 130 - 180 tấn/ha. Đồng thời, ông còn trồng thêm 13 ha cam sành, quýt đường, bưởi da xanh ở Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước; 14 ha ở Bàu Bàng và 31 ha ở Hớn Quản, Bình Phước. Doanh thu từ cây trồng có múi mỗi năm đem về cho ông Phấn không dưới chục tỷ đồng. Theo ông Phấn, sở dĩ trang trại cây có múi của ông mang lại hiệu quả kinh tế cao trong thời gian qua phần lớn là nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm chăm bón và một số bí quyết để nâng cao chất lượng sản phẩm. Muốn trồng cây có múi hiệu quả phải bảo đảm nhiều yếu tố, trước hết phải làm đúng quy trình, theo dõi từng giai đoạn, như: Thời kỳ cây tăng trưởng, thời kỳ làm bông, thời kỳ mang trái, thu hoạch… để có phương án chăm sóc, bón phân, thuốc phù hợp. Ông cũng chia sẻ về bí quyết làm cho quýt ra trái nghịch mùa để có giá bán cao hơn.
Trong những buổi gặp gỡ, tiếp xúc với các hội viên, những nông dân đang hoặc có ý định trồng cây có múi, ông Phấn đều tận tình chỉ bảo, hướng dẫn cặn kẽ. Không chỉ tư vấn kỹ thuật trồng và chăm bón cây có múi, nhiều năm qua, ông Lê Văn Phấn còn phối hợp với Hội Nông dân xã Trừ Văn Thố vận động hội viên khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên đem vỏ chai, lọ đã sử dụng vào hố đựng rác chuyên đựng thuốc bảo vệ thực vật chứ không nên bỏ lẫn vào nơi rác thải sinh hoạt. Để thuyết phục bà con, ông Phấn đã đăng ký 1 hố rác đựng vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật ở trước nhà ông, Bà con khi đi mua thuốc ở nhà ông thì ông nhắc đem bỏ vỏ vào hố rác đó. Đây là việc làm được người dân trong xã rất ủng hộ để góp phần bảo vệ môi trường sống.
TRÍ DŨNG