Người “nhặt chữ” đúc thành giải thưởng

Thứ năm, ngày 20/06/2019

(BDO)  Nói đến nhà báo Nguyễn Trọng Đạt (bút danh Trọng Đạt), nhiều người làm báo đều biết, bởi ông là người đang giữ “kỷ lục” về các giải thưởng báo chí nhờ biết cách để lại dấu ấn riêng trong tác phẩm bằng hướng tư duy sáng tạo, độc đáo. Đó là kết quả của quá trình “thai nghén” với cả lòng đam mê pha lẫn vốn kiến thức phong phú được ông tích lũy qua hàng chục năm làm báo. Chia sẻ “bí quyết” thành công của mình, nhà báo Nguyễn Trọng Đạt chỉ nói gọn một câu: “Tôi kiên trì nhặt chữ mỗi ngày”.

 Bí quyết săn giải thưởng

Là tay viết có cá tính, chịu lăn lội nên từ khi còn trẻ đến lúc làm phóng viên thường trú của tỉnh, nhà báo Nguyễn Trọng Đạt được tòa soạn gắn thêm nhiệm vụ “được phép đi và viết ở các địa phương khác”. Nhờ nhiệm vụ tăng thêm này, ông có dịp làm quen với nhiều giải thưởng báo chí lớn, từ giải báo chí quốc gia đến các giải báo chí truyền thống của các bộ, ngành, địa phương...

Không nhớ hết và cũng không muốn nhớ về thành tích, vì đó là công việc thường ngày của người làm nghề viết, nhưng khi chia sẻ với các em theo nghề sau này, Trọng Đạt rất hào hứng: “Mỗi giải thưởng, mỗi cuộc thi ngoài thể lệ còn có ý nghĩa, mục đích riêng. Đây là mấu chốt quan trọng để người dự thi căn cứ, quyết định xem mình có đủ khả năng để tham gia và đạt giải thưởng hay không. Bởi vì, ngoài các yếu tố hay, mới lạ, đúng mục đích yêu cầu, thể lệ cuộc thi thì điều mà ban giám khảo luôn hướng đến để trao giải cao là tính độc đáo và sự sáng tạo”.


 Nhà báo Trọng Đạt trong một lần chia sẻ kinh nghiệm làm báo với các nhà báo Báo Bình Dương. Ảnh: CHÍ THANH

Nhân kỷ niệm 300 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND TP.Hà Nội phát động cuộc thi viết về Hà Nội - Thủ đô 300 năm. “Tôi được phân công viết bài dự thi cuộc thi này, trong khi tôi đang làm phóng viên thường trú ở Bình Dương. Tôi không thể từ chối nhiệm vụ phân công vì đang được hưởng chế độ được đi và viết ở các địa phương khác. Được giao nhiệm vụ quan trọng, tôi suy nghĩ: Nếu viết về Hà Nội thì làm sao mình đủ sức thi lại với các bậc cao thủ Hà Thành. Suy nghĩ vậy, tôi quyết định phải tìm đề tài nào đó liên quan đến Hà Nội - thủ đô nằm ở các tỉnh, thành mà mình có dịp tiếp cận. Từ quyết định đó, tự nhiên tôi nhớ ra đội ngũ kỹ sư điện là người Hà Nội đang làm nhiệm vụ xây dựng đường dây tải điện 500 KVA Bắc - Nam trên Tây nguyên. Tôi lập tức về đó và tiếp cận được một trời thông tin hay, mới, lạ, độc đáo gắn liền với đường Trường Sơn lịch sử và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Nhờ đó, tác phẩm ấy của tôi đạt giải cao tại hội thi”, ông chia sẻ.

“Nhặt chữ” mỗi ngày

Ông nói làm báo phải mê đọc báo, ghiền thông tin. “Tôi không may mắn bằng các bạn đồng nghiệp vì không được học nghề chính quy. Bù lại tôi có tình yêu nghề rất lớn. Để tự bù đắp cho những gì mình còn thiếu, hàng ngày tôi đều đọc báo và học ngay trên những bài mình đã đọc bằng cách tìm nhặt từng con chữ, chắt cóp từng ý tưởng mới lạ từ các bài báo, từ đồng nghiệp. Dù là đồng nghiệp nhỏ tuổi, mới vào nghề mà có cách viết hay, ý tưởng mới lạ tôi đều để ý học theo. Bởi vì đề tài báo chí thường chỉ xoay quanh các vấn đề chính không mới, nhưng người viết phải biết làm mới vừa bằng các con chữ vừa bằng các ý tưởng mới lạ, mở ra hướng tương lai”, ông tâm tình.

Người trong nghề hiếm khi gặp ông có mặt tại các hội nghị hay sự kiện đông người, vì sở trường của ông là “lật lại” chuyện cũ bằng dòng tư duy mới lạ. Vì vậy, trong cuốn sổ tay tác nghiệp của ông, nhiều đồng nghiệp đều không khỏi bất ngờ với lối ghi chép khác lạ, toàn từ ngữ, suy nghĩ... thay vì diễn biến, phát ngôn, ý kiến của người này, người kia. Nhiều năm được gần gũi, tác nghiệp và học tập ở ông, người viết nhận ra cái mà ông cần nhớ là ý tưởng, là con chữ và hướng mở ra của vấn đề, chứ không phải chỉ tường thuật lại sự kiện, vấn đề như những bản tin, thông báo.

Nhờ cách nghĩ mới lạ đó, ông luôn có nhiều bài viết góp phần làm thay đổi nhiều vấn đề quan trọng, nhiều thói quen của mọi người trong xã hội tưởng chừng không thay đổi được. Một trong những dấu ấn quan trọng về ông phải kể đến ý tưởng so sánh: 1 lít dầu, 1 lít xăng khai thác từ sâu dưới lòng đất, dưới đáy biển phải qua nhiều khâu chế biến, lắng lọc mà giá bán chỉ bằng 1 lít nước lọc, nước khoáng đóng chai. Theo ông, đây là sự bất công bằng và gây thiệt thòi lớn cho người tiêu dùng, cần phải làm sáng tỏ và sớm thay đổi đề người tiêu dùng được tiếp cận, sử dụng nước uống đóng chai giá hợp lý. Đó là bài viết phản ánh về giá bán nước tinh khiết đóng chai ngang bằng với giá xăng dầu được ông phát hiện, đăng báo vào những năm cuối thập niên 90 thế kỷ XX khiến các nhà sản xuất độc quyền phải điều chỉnh giá bán hợp lý để đại đa số người tiêu dùng được tiếp cận, sử dụng.

Chọn nghề hay nghề chọn?

Đến giờ này, khi đã trở về nghỉ ngơi trong thảo trang nho nhỏ gần bờ sông cầu Ông Cộ (TX.Bến Cát) hiền hòa, giống như ở chốn quê ngày còn thơ ấu, nếu có ai cắc cớ nêu câu hỏi: Anh chọn nghề hay nghề đã chọn anh?, câu trả lời cũng sẽ rất giản dị như chính cuộc sống của ông: “Chưa biết”!

Chỉ với những người thật tâm theo nghề, muốn tìm hiểu, học hỏi, ông sẽ “móc hết” ruột gan ra để trao đổi, truyền thụ: “Làm báo là phải làm nhanh, nghĩ gì viết đó, đừng để ý bị nguội lạnh. Nhưng cũng có những câu chuyện, những đề tài tôi ấp ủ đến vài năm và thường những đề tài này sẽ mang lại giải thưởng lớn. Là người ít được học nên tôi phải biết tự bổ sung kiến thức cho mình bằng cách học ngay trên công việc; lắng nghe ý kiến đủ chiều và thể hiện bằng chính suy nghĩ, tác phong của riêng mình. Chuỗi lao động như vậy cứ cuốn tôi vào công việc, vào nghề với một tình yêu và niềm đam mê khác lạ. Nên đến giờ này, tôi vẫn chưa biết nghề chọn tôi hay tôi chọn nghề” .

Mỗi ngày, bên ngôi nhà vườn đơn sơ, nhà báo Trọng Đạt vẫn giữ thói quen đọc báo, nhặt ra những bài báo hay, ý tưởng mới rồi ghi lại sổ tay để có dịp gặp lại các nhà báo trẻ “chỉ cho nó khai thác thêm chỗ này chỗ kia để bài báo hay hơn, hấp dẫn hơn”, như tâm tình của ông. “Có nhiều bài báo mở đầu rất hay nhưng kết luận lại không nêu ra được vấn đề, hướng mở dù chỉ là một câu ngắn”, ông nói. Đây luôn là những suy nghĩ, trăn trở mà mỗi khi gặp lại lớp trẻ theo nghề báo ông đều truyền đạt, góp ý để các em vững bước theo nghề.

 “Nhà báo Trọng Đạt là cây bút nổi tiếng, kỷ lục về giải thưởng lớn nhờ quá trình lao động cần cù, sáng tạo. Các bạn trẻ mới vào nghề, kể cả những cây bút chuyên nghiệp cần gần gũi, học tập phong cách, cách thể hiện của anh. Vì anh là người trưởng thành - nổi tiếng từ thực tiễn lao động báo chí với cách suy nghĩ và phương pháp thể hiện mang tính sáng tạo cao. Học hỏi anh sẽ giúp các bạn phát huy tính sáng tạo, mở ra hướng suy nghĩ mới, giúp cho tác phẩm báo chí phát huy tính hấp dẫn, mới lạ”.

(Nhà báo ĐỖ VĂN THÔNG, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Dương)

 DUY CHÍ