Người nặng lòng với nghề gốm sứ truyền thống
(BDO) Qua bao thăng trầm, hiện anh Phạm Huy Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty gốm sứ xuất khẩu An Hòa (khu phố Bình Hòa, phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên) vẫn nỗ lực duy trì nghề gốm mà gia đình đã tạo dựng. Điều anh băn khoăn lúc này là đầu ra cho sản phẩm gốm sứ truyền thống còn nhiều khó khăn.
Nỗ lực duy trì nghề cha ông
Anh Vũ kể với chúng tôi về làng gốm Tân Phước Khánh bằng tất cả niềm tự hào của thế hệ tiếp bước cha anh. Anh cho biết, nghề gốm sứ ở Tân Phước Khánh là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời với hơn 300 năm hình thành và phát triển. Nghề gốm sứ xuất hiện ở đây từ giữa thế kỷ XVII khi một thương nhân người Hoa tình cờ đến Tân Uyên đã phát hiện ra loại đất quý màu trắng có thể làm gốm. Ông quyết định định cư tại đây rồi đưa nhiều người đến cùng mở các lò sản xuất gốm sứ dọc theo con suối Hố Đại.
Các sản phẩm của gốm sứ Tân Phước Khánh gồm bát, đĩa, ấm chén, chậu hoa, chân đèn, bình, lọ, tượng người… thường có kích thước vừa và nhỏ. Nét đặc trưng của gốm sứ Tân Phước Khánh ngày xưa là đều được tráng men với màu sắc da lươn hoặc xanh lục đậu, còn ngày nay men có thêm nhiều màu sắc khác nhau tùy theo yêu cầu của khách hàng. Đặc biệt, gốm men của Tân Phước Khánh đã tạo nên dòng gốm men nhiều màu bình dị, dân dã; sản phẩm đa dạng, phong phú, giản dị nhưng cũng trau chuốt, sinh động, thể hiện nét phóng khoáng của người Nam bộ.
Anh Vũ kiểm tra sản phẩm tại xưởng. Ảnh: Tiểu My
Anh Vũ cho biết anh gìn giữ nghề gốm truyền thống vì tình yêu với gốm sứ đã ngấm vào trong anh từ thuở bé. Anh theo nghề làm gốm không chỉ đơn thuần là vì mưu sinh mà còn vì lòng yêu nghề, đam mê nghệ thuật hội họa, trang trí và tạo hình.
Trước thập niên 90 của thế kỷ trước, ba anh - ông Phạm Văn Mượn, chỉ là người giao men cho các lò gốm trên địa bàn. Sau thời gian làm ăn, quen biết, ba anh tự mày mò tìm hiểu nghề, rồi được sự chỉ bảo tận tình của các chủ lò do thương tính chịu khó của ông các công đoạn làm gốm. Đầu năm 1990, ông lập xưởng để sản xuất chén, dĩa, tô, bình trà bằng gốm thường và lấy tên An Hòa với mong muốn con đường kinh doanh được bình an. Bao nhiêu tâm sức của đời mình, ông dồn hẳn vào lò gốm. Rồi đất cũng không phụ lòng người, cơ sở gốm An Hòa đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường.
Năm 2000, đầu ra sản phẩm gốm sứ tại thị trường trong nước gặp khó khăn, ông Mượn quyết định thành lập doanh nghiệp gốm sứ An Hòa chuyên làm các mặt hàng xuất khẩu. Thời hoàng kim của nghề gốm, với xưởng rộng gần 5.000m2, công ty của ông có đến 200 công nhân. Tiếp đó, quá trình đô thị hóa ở Tân Phước Khánh diễn ra mạnh mẽ, các lò nung củi không còn phù hợp, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, ông Mượn đã chuyển qua nung gas. Lúc đó, bình quân hàng năm công ty xuất khẩu 400.000 - 500.000 bộ gốm sứ, chủ yếu là các nước châu Âu. Cũng từ đó, gốm sứ Tân Phước Khánh đã có sự pha trộn giữa nét truyền thống Việt Nam, Á Đông và phương Tây.
Năm 2002, anh Vũ tiếp quản công việc của ba khi anh vừa tốt nghiệp đại học. Anh chia sẻ, để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh những người thợ nơi đây phải trải qua rất nhiều công đoạn, tất cả công đoạn đều được làm thủ công và được nung bằng lò. Những sản phẩm gốm sứ An Hòa được tạo ra rất công phu, tỉ mỉ từ chính đôi bàn tay tài hoa, nhiều kinh nghiệm của những người thợ nơi đây.
“Một sản phẩm gốm được làm ra phải qua đến 7 khâu đoạn, từ tìm kiếm cao lanh, phối liệu, tạo hình sản phẩm, chỉnh sửa đến nhúng men, phun màu, vẽ dưới men hoặc làm màu trên men… Mỗi khâu lại có những công đoạn nhỏ. Ví dụ như phối liệu gồm 3 công đoạn nhỏ là khai thác, vận chuyển, phối liệu, xối hồ để chắt lọc và nhào trộn đất sét tinh. Khâu tạo hình gồm 4 công đoạn nhỏ là tạo dáng sản phẩm, hong khô, nhúng men da, hong khô sản phẩm… Các công đoạn này hầu hết đều được làm bằng tay, bằng kinh nghiệm của người thợ. Đây là bí quyết lưu truyền của mỗi gia đình, mỗi lò gốm sứ, được người thợ đúc kết cô đọng trong tám chữ: Nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ trí”, anh Vũ nói.
Băn khoăn đầu ra
Xưởng gốm An Hòa (tiền thân của Công ty gốm sứ xuất khẩu An Hòa) được thành lập năm 1990. Sau bao thăng trầm, hiện nay An Hòa là một trong số ít công ty, cơ sở gốm chủ yếu sử dụng phương pháp sản xuất thủ công còn tồn tại ở phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên. Công ty hiện có 3 khu vực sản xuất chính, gồm: Khu tạo hình sản phẩm, khu xối men và khu thành phẩm, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 30 lao động. Công ty chủ yếu sản xuất chậu hoa các loại theo đơn đặt hàng và xuất khẩu qua các thị trường châu Âu, châu Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc. |
Hiện nay, Công ty gốm sứ xuất khẩu An Hòa vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công truyền thống, không sử dụng máy móc (trừ khâu làm đất), đáp ứng theo thị hiếu của khách hàng xuất khẩu. Anh Vũ tâm tình, dù thời hoàng kim đã qua song công ty vẫn đang nỗ lực giữ vững thương hiệu của mình với những sản phẩm đẹp, chất lượng. Với sản phẩm bình hoa, khách hàng của công ty vẫn chuộng gốm sứ truyền thống, sản xuất bằng phương pháp thủ công, chứa đựng những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của người thợ.
Trong xu hướng hiện nay, các cơ sở sản xuất gốm sứ thủ công ngày càng giảm do nhiều yếu tố khách quan chi phối, anh vẫn nỗ lực duy trì nghề của gia đình để lại. Hiện công suất của công ty khoảng 100.000 bộ gốm sứ/năm. Anh đã cho thuê 2 phân xưởng, chỉ giữ lại 1.500m2 để làm khu vực sản xuất. Anh đang cố gắng khai thác đơn hàng để ổn định việc làm, thu nhập cho những người thợ đã gắn bó với An Hòa từ hàng chục năm nay.
“Nghề gốm truyền thống này cần những công nhân lành nghề, có tay nghề cao. Nên khi không có đơn hàng, chúng tôi vẫn chấp nhận trả lương cho những lao động trụ cột, tránh tình trạng khi có việc thì không có người làm. Cũng không thể trách người lao động khi họ cũng cần phải sống và bảo đảm cuộc sống. Tôi luôn cố gắng có nhiều đơn hàng để các thợ gốm lành nghề có việc làm ổn định và gắn bó lâu dài với nghề”, anh Vũ tâm tình.
Anh Vũ cũng trăn trở, hiện nay việc xuất khẩu sản phẩm gốm sứ truyền thống vẫn phải qua khâu trung gian; các sản phẩm làm theo đơn đặt hàng với mẫu mã đưa sẵn, trong khi công ty có thể tự chủ trong khâu tìm kiếm mẫu mã… Tuy vậy, với lượng đơn hàng không nhiều, xu thế kinh tế thế giới có nhiều biến động nên anh không dám mạo hiểm để đầu tư phát triển thị trường.
Khi chúng tôi đặt vấn đề đổi mới công nghệ, bớt lệ thuộc vào nhân công, anh Vũ cho biết anh đã chọn hướng đi với các sản phẩm handmade (làm bằng tay), đã có lượng khách hàng riêng, nên việc đầu tư công nghệ tạm thời anh chưa tính tới. Điều anh đang trăn trở nhất là chừng 10 năm nữa, nghề gốm truyền thống sẽ khó duy trì khi hiện nay, thế hệ những người làm gốm truyền thống lành nghề đang ít dần, những người trẻ không còn mặn mà với nghề gốm...
Chia tay anh Vũ, chúng tôi luôn nhớ hình ảnh những cục đất vô tri vô giác, qua bàn tay nhào nặn của các nghệ nhân nơi đây đã trở thành những sản phẩm gốm sứ truyền thống đậm chất nghệ thuật. Thiết nghĩ, những sản phẩm này vẫn có đất sống nếu các công ty có hướng đi phù hợp, cùng với đó là sự hỗ trợ của của Nhà nước.
Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết ngành gốm sứ nói chung, gốm sứ Tân Phước Khánh nói riêng là nét đặc sắc của văn hóa Bình Dương cần được bảo tồn và phát triển gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tháng 5-2019, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức đợt trưng bày gốm sứ truyền thống của tỉnh với chủ đề “Gốm sứ Bình Dương truyền thống và hiện đại”, với ý nghĩa giới thiệu, bảo tồn nét đặc sắc của ngành gốm sứ tỉnh nhà. Trong năm 2020, Bảo tàng tỉnh sẽ xây dựng hồ sơ khoa học tham mưu cấp có thẩm quyền trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét công nhận gốm sứ Bình Dương là di sản văn hóa quốc gia. Sau khi được công nhận, đơn vị sẽ tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh những chính sách liên quan nhằm bảo tồn và phát triển ngành gốm sứ truyền thống. |
TIỂU MY