Người nặng lòng với nghề gốm
(BDO) Trong làng gốm sứ Bình Dương, Vương Siêu Tín như dấu gạch nối giữa các thế hệ người làm gốm. Tự thân vận động, mày mò học hỏi và bước ra thương trường một cách vững chãi, đến nay Công ty TNHH Phước Dũ Long (TX. Thuận An) dưới bàn tay lèo lái của anh, từ một cơ sở gốm sản xuất quy mô nhỏ trở thành một trong những điểm sáng xuất khẩu gốm sứ của Việt Nam.
Đau đáu với nghề
Vào những năm 2009-2010 ngành gốm rơi vào chu kỳ khủng hoảng, nhiều chủ lò ở Bình Dương bỏ nghề kiếm việc làm ăn khác. Vậy nhưng có dịp tiếp xúc với chuyên gia Lê Thành Trọng, một người chuyên cải tiến các lò nung gốm khắp cả nước, được ông tiết lộ: “Bình Dương có một ông chủ lò tâm huyết lắm! Thua lỗ cỡ nào cũng đầu tư cải tiến công nghệ, tìm cách hiện đại hóa các khâu làm gốm chứ không chịu bỏ nghề. Nói thật kiếm được người tâm huyết với nghề gốm ở Việt Nam như anh Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty TNHH Phước Dũ Long, cũng không dễ”.
Anh Vương Siêu Tín luôn nặng lòng với nghề làm gốm truyền thống của Bình Dương. Ảnh: K.VINH
Nhiều lần chúng tôi tiếp xúc với anh Vương Siêu Tín mới thấy nhận xét ấy đúng. Anh Tín sinh ra trong một gia đình có 4 thế hệ làm gốm. Lớn lên tuy đỗ vào ngành hóa trường Đại học Tổng hợp TP.HCM nhưng nhận thấy gia đình cần có người kế nghiệp gốm sứ, anh quyết rời giảng đường về với lò gốm.
Những năm trước khi Đảng ta thực hiện công cuộc đổi mới, nghề gốm ở Bình Dương tuy phát đạt nhưng chủ yếu làm ra sản phẩm để cung cấp cho nhu cầu thị trường trong nước. Sau đó anh Tín liên tục có những cải tiến công nghệ, mở rộng quy mô đầu tư và thay đổi cách tiếp cận thị trường, liên tục gửi sản phẩm đi tham gia các hội chợ triển lãm ở nước ngoài…
Nhờ cách nghĩ, cách làm mới, đến nay anh Tín đã phát triển Công ty Phước Dũ Long trở thành một trong những đơn vị sản xuất gốm sứ ngoài trời có uy tín trên thương trường. Phước Dũ Long thoát thai từ cơ sở nhỏ lẻ, chuyên làm lu, chậu vươn vai đi khắp nơi trên thế giới; kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt từ 3 - 4 triệu USD. Tuy nhiên anh Tín vẫn chưa bao giờ có suy nghĩ dừng lại. Bởi với anh việc phát triển thương hiệu Phước Dũ Long nói riêng và gốm sứ của Bình Dương nói chung là trách nhiệm, là niềm đam mê với nghề này.
Với diện tích nhà xưởng lên đến 16 ha, nếu cho thuê mỗi tháng anh Tín thu về 3 tỷ đồng mà không phải làm gì, trong khi đó lợi nhuận của Công ty Phước Dũ Long hiện nay rất thấp. Tuy nhiên anh Tín vẫn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết, niềm đam mê, tình yêu với nghề cha ông để lại. Anh chia sẻ: “Tôi âm thầm học hỏi công nghệ, tích lũy vốn liếng cả gia đình đầu tư vào việc cải tiến sản phẩm, cải tạo công nghệ làm gốm mới. Nói không ai tin, chứ tôi dồn gần hết lợi nhuận bao nhiêu năm làm gốm để đầu tư vào máy móc, công nghệ để hiện đại hóa sản phẩm. Tôi mong gốm của Bình Dương ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế”.
Thành công từ sự tận tâm
Chính anh Vương Siêu Tín là một trong những người đi đầu trong việc cải tiến công nghệ nung gốm khi bỏ ra hơn 10 tỷ đồng vào việc xây dựng lò nung bằng gas lớn đến 120m3. Ngoài ra, Phước Dũ Long cũng là một trong những công ty đi đầu trong việc nghiên cứu men, màu và nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm lên đến hơn 90%. Cách đây khoảng hơn 10 năm, xuất phát từ thực tế đất làm gốm ngày càng khan hiếm, anh Tín hiểu rằng đầu ra cho sản phẩm rất lớn nhưng tài nguyên luôn hữu hạn. Các nước và vùng lãnh thổ có truyền thống về gốm sứ như Trung Quốc, Đài Loan… liên tục đổi mới công nghệ khiến cho thị trường ngày càng khó tính hơn.
Từ trăn trở đó anh quyết định đầu tư số tiền lớn cho dây chuyền xử lý đất. Đến nay dây chuyền xử lý đất làm nguyên liệu cho ngành gốm của anh được người trong nghề đón nhận, không chỉ cung ứng đủ vật tư chất lượng cao cho việc làm ra sản phẩm của công ty mà còn cung cấp cho nhiều đối tác khác trong cả nước. Đây cũng chính là một trong những đóng góp hữu ích của cá nhân anh Tín cho nghề gốm của Bình Dương ngày càng phát triển hơn nữa.
Không chỉ bỏ hàng chục tỷ đồng vào việc nghiên cứu, đầu tư công nghệ tiên tiến để cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm, anh Vương Siêu Tín còn “tranh thủ” tham gia nhiều triển lãm, hội chợ để quảng bá gốm sứ Bình Dương đến với khách hàng. Ở cương vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, anh Tín luôn có những ý kiến đóng góp quan trọng để phát triển nghề ngày càng bền vững hơn. “Tôi yêu cái nghề gốm nên quyết chí gắn bó với nó, phát triển nó ngày càng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường, qua đó tăng doanh thu, tăng lợi nhuận để phát triển Công ty Phước Dũ Long ngày càng vững mạnh hơn. Nhưng điều tôi muốn nhất là nghề này tiếp tục phát triển, người gắn bó với nghề được tạo nhiều điều kiện để giữ gìn nghề truyền thống của đất Thủ”, anh Tín tâm tình.
KHÁNH VINH