Người “nặng lòng” với cây bưởi
(BDO) Cù lao Bạch Đằng (xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên) nằm bên sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương những ngày này nhộn nhịp hẳn lên. Nhộn nhịp là bởi bà con nơi đây đang nô nức chuẩn bị lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng” lần 2 năm 2019 - nơi tôn vinh cây bưởi và những người trồng bưởi trên vùng đất cù lao này.
Anh Công bên vườn bưởi của gia đình. Ảnh: TIỂU MY
Tiên phong với bưởi da xanh
Theo chân cán bộ nông nghiệp xã Bạch Đằng, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Minh Công. Anh Công là điển hình trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Trải qua nhiều khó khăn, vất vả, anh đã thành công với việc trồng bưởi da xanh trên vùng cù lao Bạch Đằng, làm đa dạng thêm loại bưởi nơi đây.
Trong cái nắng đầu tháng 1-2019, vườn bưởi hơn 7.000 m2 của anh Công đang trĩu quả, chuẩn bị phục vụ cho vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi sắp tới. Anh Công chia sẻ, đây là thành quả từ mồ hôi, nước mắt của gia đình anh sau mười năm gắn bó với vườn bưởi. Nếu không “nặng lòng” với cây bưởi anh không thể thành công như ngày hôm nay.
Cách đây 10 năm, được sự hỗ trợ từ Đề án Nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2007-2010 của tỉnh, anh Công mạnh dạn trồng giống bưởi da xanh - vốn trước đây chưa được trồng trên vùng đất toàn bưởi lá cam này. Chính việc chuyển đổi này đã trở thành bước ngoặt để hôm nay anh sở hữu vườn bưởi da xanh trĩu quả, làm phong phú thêm chủng loại bưởi của vùng cù lao Bạch Đằng.
Anh Công tâm tình, trồng bưởi cũng giống như đứa con của mình, ốm đau theo từng giai đoạn. Trồng được hơn 2 năm, bưởi thường bị dặt dẹo, vàng lá, quăn lá, thối rễ… rồi lúc chuẩn bị ra hoa kết trái cây bưởi lại bị bệnh một trận nữa. “Lúc đầu tôi trồng bưởi số lượng ít, đâu có tiền mà thuê kỹ sư về chữa trị bệnh cho cây bưởi. Trên nền kiến thức được tập huấn từ đề án của tỉnh, mình phải nghiên cứu thêm từ thực tế để bắt bệnh và trị bệnh cho từng gốc bưởi. Việc canh tác loại cây này phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt, xác định tính thời điểm, theo sát từng gốc bưởi, hiểu từng gốc bưởi như chính máu thịt mình thì mới mong thành công được”, anh Công nói.
Biến đất thành “vàng”
Anh Công cho biết, hàng ngày chăm sóc, chứng kiến những cành bưởi vươn lên, anh rất vui. Muốn cây bưởi phát triển tốt và sai quả thì người trồng phải thuộc từng hạng mục phân và quan trọng nhất là khâu tưới và thoát nước. Được hỗ trợ từ đề án của tỉnh, anh đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động, phun thuốc, bón phân tự động của Israel trên 7.000m2 đất của mình. Đến thời điểm cây ra lá non, anh phun thuốc sinh học lên gốc và lá để phòng tránh cho cây bị nhiễm các loại bệnh nấm dầu và bệnh thối quả. Sau đó anh cắt tỉa giúp cây ra nhiều lộc hơn, lộc càng nhiều thì cây càng có điều kiện đơm hoa kết trái nhiều hơn.
Vụ thu hoạch đầu tiên, vườn bưởi da xanh của anh Công đã tạo được tiếng vang, thương lái đến tận vườn hỏi mua. Mỗi năm, vườn bưởi đem về cho anh doanh thu hàng tỷ đồng. Chỉ tay về phía vườn bưởi đang mùa chín rộ, anh phấn khởi nói: “Vụ mùa bưởi Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tôi vừa bán với giá 600 triệu đồng. Tiền tôi nhận rồi, bây giờ trái bưởi trong vườn là của người ta; các thương lái đang để dành đến tết mới bán...”.
Anh cho hay, anh không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc bưởi cho những ai muốn phát triển nghề trồng bưởi, nhất là đối với những bà con xã Bạch Đằng. Theo anh, công nghệ và kỹ thuật trồng bưởi phải được kết hợp hài hòa với trải nghiệm và kinh nghiệm trồng bưởi của nông dân thì mới có thể vươn tới thành công trong nghề trồng bưởi.
Chia tay anh Công và vườn bưởi da xanh ở cù lao Bạch Đằng, chúng tôi tin rằng quê hương cù lao Bạch Đằng tới đây sẽ có nhiều hơn nữa những người nông dân dám nghĩ, dám làm, dám vượt lên khó khăn và khát vọng làm giàu trên chính nơi “chôn nhau, cắt rốn” để biến phù sa thiên nhiên ban tặng thành những mùa quả ngọt như hôm nay.
TIỂU MY