Người miệt mài với công tác thiện nguyện...
Khi nghe tôi nói, dì được chọn tuyên dương là một trong những gương điển hình trong công tác từ thiện xã hội, dì cười tươi: “Vậy à? Có gì đâu, dì chỉ chuyển giúp tấm lòng của những người tốt đến với người gặp bất hạnh thôi mà. Nên khen những mạnh thường quân tin và giúp dì thực hiện tâm niệm của mình...”.
Dì tên Nguyễn Thị Bảy, SN 1943. Hiện sống cùng con cháu ở số 426/2, Cách mạng Tháng Tám, khu phố 6, phường Phú Cường, TX.TDM.
Trong tất cả quãng đời của dì, luôn luôn dành tâm trí làm từ thiện mỗi khi có thể. Điều đáng nói là từ việc làm của mình, dì quy tụ được nhiều mạnh thường quân là tiểu thương của chợ Thủ và một số doanh nhân thành đạt. Với sự giúp đỡ của những người hảo tâm này, dì đến với người nghèo khó, bệnh tật.
Trước đây, chương trình từ thiện của dì Bảy phụ trách là “Nồi súp tình thương” cho bệnh nhân nặng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Gần đây chương trình này được đổi thành “Hộp cơm nhân ái” bởi như dì nói thì: “Không chỉ phát cơm cho người bệnh, chúng tôi còn phát cho người thăm nuôi bệnh bởi họ cũng rất khó khăn”. Đều đặn mỗi tuần 2 lần, tự tay dì nấu cơm đem vô bệnh viện. Mỗi lần nấu trên 500 hộp. Cơm nấu xong cho vào hộp xốp với thức ăn có khi là chà bông, xúc xích. Kèm theo sữa đậu nành, trái cây hoặc mì gói cho những bệnh nhân phải điều trị lâu tại bệnh viện để họ có cái ăn khi đói lòng...
Số tiền để nấu cơm được dì “xin từ tiểu thương, những ai hảo tâm và thân bằng quyến thuộc”. Tính bình quân, mỗi năm chương trình “Hộp cơm nhân ái” huy động được 240 triệu đồng để hàng tuần phát cơm cho bệnh nhân nghèo ở 2 khoa lao nhiễm và tâm thần của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ngoài ra, dì Bảy còn tổ chức 2 lần phát quà nhân dịp Vu lan và mừng xuân cho người tàn tật khoảng 80 triệu đồng nữa. Nếu năm nào có nhiều hơn số tiền này thì dì cũng tìm nhiều địa chỉ hơn để phát quà như các Trung tâm trẻ mồ côi, Trung tâm Nuôi dưỡng người già ở An Sơn, Thuận An...
Điều đáng mừng là có nhiều người tình nguyện làm việc thiện theo dì Bảy. Như những buổi nấu cơm từ thiện cho bệnh nhân nghèo, có khoảng 10 người đến phụ giúp dì cho cơm, thức ăn vào hộp, chở tới bệnh viện để tự tay phát. Họ làm với tinh thần “ai rảnh thì giúp một tay chứ không cần đến tiền thù lao”. Mới đây khi đi Châu Đốc (An Giang) để hành hương, làm từ thiện, dì Bảy cũng dành dụm để mua mấy chục bộ đồ mới đem cho bệnh nhân tâm thần, lao nhiễm.
Hỏi về nhân duyên đưa dì đến với công tác thiện nguyện (CTTN), dì Bảy kể: “Từ khi còn nhỏ, tôi đã phát tâm giúp người nghèo khó khi mình có khả năng. Năm 1979, chồng tôi mất sớm, 4 đứa con còn nhỏ nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Có lẽ vì thế nên tôi rất cảm thông cho người nghèo. Trước đây khi còn tỉnh Sông Bé, nhiều bệnh nhân nghèo quá không có tiền về xe, tôi trực tiếp đi gom lại cho người ta. Có trường hợp người vợ sinh mổ, người chồng không đủ viện phí, tôi cũng đi xin giúp”. Một lần khác có một gia đình trẻ ở miền Tây lên Bình Dương làm ăn. Người vợ bệnh, chết trẻ để lại chồng và đứa con nhỏ. Dì Bảy cùng bạn bè đi gom gạo, đường, bột ngọt, bánh trái... để phụ lo đám tang. Dì Bảy nhớ lại: “Lúc đó, tổ chức Hội Chữ thập đỏ đã giúp áo cái quan còn chúng tôi cũng quyên góp thêm để phụ giúp chi phí hỏa táng. Tội nghiệp, người ta gặp cơn nguy nan thế không ai cầm lòng được...”.
Dì Bảy cười cho biết mình may mắn có 4 đứa con đều ngoan, biết thương mẹ. 4 người con của dì Bảy hiện đã yên bề gia thất và cũng làm ăn ổn định. Hàng tháng các con đều dành ra một khoản tiền để chu cấp cho mẹ sinh hoạt và “thừa ra thì mẹ làm việc thiện”. Dì cũng vui khi khoe mình có đến 6 đứa cháu nội, ngoại. Tuổi đã cao nhưng dì vẫn rất mạnh khỏe.
Tùy duyên có thể giúp giàu/ Lâm cơn hoạn nạn khi nào cần con/ Phúc đức đó vẫn còn muôn thuở/ Tuy vô hình đừng ngỡ rằng không/ Con ơi trong cõi hồng trần/ Mấy ai nghĩ đến tấm lòng thanh cao... Đó là những câu thơ mà một vị thầy đã dạy cho dì Bảy và dì luôn nhớ nằm lòng để “mãi mãi làm CTTN khi sức khỏe còn cho phép”.
QUỲNH NHƯ