Người mẹ già làm mướn nuôi 2 con bệnh tật

Thứ tư, ngày 29/08/2012

Bà Ba lấy chồng nay cũng gần 40 năm. Gia đình nhà chồng cũng nghèo nên vợ chồng bà chỉ biết dựa vào sức mình kiếm sống. Như bao người mẹ khác, bà hạnh phúc biết bao khi 3 đứa con trai lần lượt ra đời. Nhưng niềm hạnh phúc ấy chưa được bao lâu thì người con đầu (sinh năm 1974) và con thứ 2 (sinh năm 1975) mắc chứng bệnh thần kinh. 15 năm trước, người chồng của bà cũng phát hiện mắc bệnh lao. Nhà nghèo, con lại bệnh nên ông cũng phải đi làm thuê để kiếm tiền phụ vợ lo cho con. Chính sự lao lực đó đã khiến sức khỏe của ông ngày một suy kiệt và dần dần không còn phụ vợ được gì nữa. Hơn một năm trước, chồng bà nằm liệt một chỗ. Mọi sinh hoạt cá nhân của chồng, 2 con bị bệnh đều do bà lo liệu. Trong khi đó, bà còn phải đi làm mướn để lo cái ăn cho cả gia đình, với sự phụ giúp của người con trai út đang đi làm công nhân.  Bà Ba bên người con trai thứ hai bị bệnh thần kinh

Sự bất hạnh vẫn chưa chịu buông tha người vợ, người mẹ nghèo ấy. Khoảng một năm trước, người con trai út - niềm an ủi còn lại của bà - cũng đã mất vì bị tai biến. Người con trai út của bà ra đi chưa được bao lâu thì chồng của bà cũng mất (cách nay khoảng 4 tháng) vì sức khỏe quá yếu. Không có tiền, bà nhờ người quen vay mượn 7 triệu đồng để lo đám tang cho chồng. Sau khi lo đám tang cho chồng xong, bà trả được 2 triệu đồng, còn nợ lại 5 triệu đồng. Khoản nợ ấy đến nay vẫn còn giữ nguyên vì bà không có khả năng trả. Đó là chưa kể, một tháng bà phải chạy vạy ngược xuôi để có được 500.000 đồng trả tiền lãi cho chủ nợ. Bà nói: “Biết vay như thế là lãi quá nhiều, nhưng không vay thì lấy gì lo cho chồng. Để vay được số tiền ấy, tui phải nhờ người quen vay dùm chứ tui nghèo thế này đi vay họ không cho...”.

Gánh nặng gia đình lại đè thêm lên đôi vai gầy yếu của bà. Bà tưởng mình không thể gượng dậy nổi. Nhưng mỗi khi anh thứ hai lên cơn động kinh, bà phải gượng dậy ôm con vào lòng, cạo gió, pha nước chanh cho con uống. Ngày ít thì một lần, ngày nhiều thì ba lần. Mỗi lần lên cơn co giật như thế từ 5 - 30 phút sau anh mới trở lại bình thường. “Bị giật riết như thế nên sức khỏe, tinh thần của nó cũng không được bình thường nữa. Đó là chưa kể, mấy năm nay, không biết cái phong xù gì đó mọc lên đầy mặt nó, ai lạ nhìn thấy nó cũng sợ cả...”, bà Ba nghẹn ngào khi kể về người con trai thứ hai của mình.    

Lo cho người con thứ hai chưa xong, bà lại quay sang lo cho người con trai đầu. Anh này cũng bị bệnh thần kinh, không lên cơn co giật nhưng hay bỏ nhà đi lang thang. Thường thì anh đi lang thang đến chiều bụng đói cũng biết tìm đường về nhà, nhưng có nhiều hôm đến tối vẫn chưa thấy anh về nên bà lại tất tả đi tìm. Bà Ba chia sẻ: “Một mình vừa phải đi làm mướn kiếm tiền, vừa phải lo cho 2 con bệnh tật như vậy nên bà con trong xóm thấy tui cũng thương, giúp đỡ thêm cho. Ngày nào có người thuê, tui gửi thằng thứ hai cho hàng xóm để đi làm phòng khi nó lên cơn co giật có người bên cạnh. Còn thằng đầu tui cũng gửi cho một người bà con ở Phú Giáo trông giúp. Vậy mới có thời gian đi làm mướn cho người ta được. Nếu không lấy tiền đâu ra để đong gạo, mua mắm muối qua ngày. Mà tui giờ cũng già rồi, nên ít người mướn lắm. Ngày nào có người kêu thì kiếm được 50.000 đồng, coi như ngày đó có ăn. Còn không có ai kêu thì coi như đói cả nhà...”.

Nhìn ngôi nhà tường xây, tôi buột miệng: “Khó vậy mà cô xây được ngôi nhà này cũng giỏi lắm rồi đó”. Bà Ba bộc bạch rằng, ngày trước vợ chồng con cái bà ở trong một cái chòi rách nát bên cạnh. Đây là nhà của người chị chồng. Sau khi chị chồng chuyển về phường Bình Thắng ở, mới cho gia đình bà căn nhà này để tránh mưa, tránh nắng với một điều kiện “chỉ được ở, không được bán”. Bà nói: “Nhà thì xây đó, nhưng mưa cũng ướt hết cô ơi! Những ngày trời tạnh ráo thì còn đỡ, nhưng đêm nào trời mưa thì coi như thức cả đêm vì nền nhà ướt hết không có chỗ để ngủ...”. Nghe bà nói, tôi ngước nhìn lên mái nhà. Đúng là tấm tôn nào cũng có nhiều lỗ thủng.

Mái nhà thì thủng, còn trong nhà cũng không có gì. Ngay cả chiếc giường nằm, hay cái ghế để ngồi cũng không có lấy một cái. “Ngay cả bản thân tui, từ ngày lấy chồng đến nay đã 60 tuổi mà chưa bao giờ may cho mình một cái áo hay cái quần mới, toàn mặc áo quần cũ người ta cho thôi...”, nói đến đây giọng bà như nghẹn lại. Mà thật, cái khổ cứ bám lấy bà quanh năm suốt tháng như thế thì lấy đâu dư dả. Bà bày tỏ: “Bây giờ tui chỉ mong có tiền để trả nợ cho người ta. Nếu không tháng nào cũng phải đóng tiền lãi như thế thì lấy đâu ra tiền lo cho con.

HỒNG THUẬN