Người mang về mùa xuân trường tồn cho dân tộc
(BDO)
Cột mốc 108, nơi sau 30 năm bôn ba nước ngoài Bác Hồ đã đặt bước chân đầu tiên trở về với Tổ quốc. Trong ảnh: Phóng viên Báo Bình Dương đến thăm cột mốc 108 lịch sử
Người về mang tới mùa xuân
Trong chuyến hành trình về nguồn theo chân Bác tại các tỉnh miền núi phía Bắc, chúng tôi có dịp ghé đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Mục tiêu cuối cùng trong chuyến hành trình tại đây là cột mốc 108, nơi Bác Hồ lần đầu tiên trở về nước sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Lần theo những dấu chân Người năm xưa, vượt qua đoạn đường mòn, khá khó đi từ suối Lênin lên đỉnh núi chúng tôi đặt chân đến cột mốc lịch sử 108 khi trời đã gần trưa. Trong cung đường đi lên, chúng tôi cũng không quên ghé chân đến một số địa điểm lịch sử trong thời gian Bác Hồ hoạt động nơi đây, như: Nền nhà ông Lý Quốc Súng, ngôi nhà Bác đã ở khi mới trở về Tổ quốc chỉ đạo cách mạng (từ ngày 28-1 đến ngày 7-2-1941); hang Lũng Lạn, nơi Bác ở và làm việc trong khoảng cuối tháng 3-1941; hang Ngườm Vài, năm 1941, Bác trực tiếp dự, hướng dẫn và kết nạp Đảng cho đồng chí Nông Thị Trưng.
Cột mốc 108 là cột mốc ghi dấu chân đầu tiên của Người trở về Tổ quốc, cũng là dấu mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử của dân tộc - Người về trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng của dân tộc. Để rồi chỉ sau 4 năm, dân tộc Việt Nam đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đánh đổ ách thực dân, phong kiến, xây dựng nền dân chủ cộng hòa. Nhìn cột mốc 108 đã bạc màu vì thời gian giữa cảnh sắc đất trời Cao Bằng xanh thắm, chúng tôi bồi hồi nhớ lại những câu thơ trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của nhà thơ Chế Lan Viên: “Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai”.
Với tầm nhìn xa, trông rộng, Người nhận thấy Cao Bằng là nơi có nhiều yếu tố thuận lợi để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước. Cao Bằng là tỉnh miền núi, có đường biên giới với Trung Quốc dài hơn 333km, vừa có đường bộ, đường thủy sang Trung Quốc nên thuận lợi cho giao thông liên lạc; có các tuyến đường bộ đi xuống Lạng Sơn, Thái Nguyên… Địa thế Cao Bằng hiểm trở, ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa là địa bàn bọn thực dân Pháp khó kiểm soát. Từ Cao Bằng khi lực lượng cách mạng phát triển, cơ sở Việt Minh mở rộng có thể nhanh chóng “Đông tiến” xuống Lạng Sơn, “Nam tiến” xuống Thái Nguyên và “Tây tiến” sang Hà Giang, Tuyên Quang cũng như các tỉnh vùng trung du, đồng bằng Bắc bộ. Cao Bằng hội tụ đủ điều kiện trở thành một trong những bàn đạp chiến lược đầu tiên của thời kỳ khởi nghĩa vũ trang giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng góp phần đi đến quyết định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là “Cao Bằng có phong trào tốt từ trước”, là nơi sinh sống của hàng chục vạn đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, Lô Lô, Hoa… Các dân tộc luôn đoàn kết gắn bó với nhau, một lòng theo Đảng, không ngừng đấu tranh chống thực dân, phong kiến.
Ngày 28-1-1941, Bác và các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó, Cao Bằng, một nơi “bí mật” có “hàng rào quần chúng bảo vệ và có đường rút lui”. Những ngày đầu về nước, Bác ở nhà ông Lý Quốc Súng (Máy Lỳ) ở thôn Pác Bó. Sau đó, để tiện cho công tác, Người chọn hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là “đầu nguồn”) một hang núi kín đáo ở thôn Pác Bó làm nơi sống và làm việc, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước.
Mùa xuân tự do, mùa xuân trường tồn của dân tộc
Người đặt chân về nước đúng ngày mùng 2 Tết Tân Tỵ 1941 khi cả núi rừng Cao Bằng chuyển vào xuân. Đất trời chuyển xuân như cũng dự báo cả dân tộc Việt Nam sẽ chuyển động theo những bước chân của người với mục tiêu độc lâp, tự do và hạnh phúc của nhân dân. Tại Pác Bó, Người mang bí danh “Già Thu”, “Cụ Thu Sơn”, trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng các đoàn thể cứu quốc ở Cao Bằng; mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ, lược dịch cuốn sách Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, biên soạn Cách đánh du kích, Cách huấn luyện cán bộ quân sự, để làm tài liệu học tập. Đặc biệt tháng 5-1941, Bác đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình, đặc biệt là tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước, hội nghị đề cập nhiều vấn đề quan trọng, như cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là cuộc cách mạng “giải phóng dân tộc”; kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương là “phát xít Pháp - Nhật và các lực lượng phản cách mạng tay sai cho chúng”; nguyện vọng của nhân dân Đông Dương lúc này là “đánh đuổi Pháp - Nhật, làm cho xứ Đông Dương độc lập”…
Hội nghị cũng đã đề ra nhiều biện pháp về tư tưởng, chính trị và tổ chức để động viên mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân ta để tập trung tất cả sức mạnh cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh). Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời với Tuyên ngôn, Chương trình, Ðiều lệ. Bản Chương trình cứu nước của Việt Minh gồm 44 điều cụ thể về các chính sách chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục, chính sách đối với các tầng lớp nhân dân, chính sách xã hội, chính sách ngoại giao, để thực hiện hai điều cơ bản mà toàn thể đồng bào mong ước là: “Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập. Làm cho dân Việt Nam được hoàn toàn sung sướng, tự do”.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ, Trung ương Đảng, căn cứ địa Cao Bằng không ngừng được củng cố, mở rộng. Lực lượng cách mạng phát triển mạnh mẽ, Cao Bằng tập hợp quần chúng rộng rãi, đoàn kết các tầng lớp nhân dân dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh để đứng lên đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Đến năm 1945, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến. Chiến tranh thế giới lần thứ 2 đã bước vào giai đoạn kết thúc, phong trào cách mạng trong nước ngày càng lan rộng, thời cơ giành chính quyền đang đến gần. Lúc này, căn cứ địa Cao Bằng không còn phù hợp vì cách xa các tỉnh đồng bằng. Bác Hồ yêu cầu đồng chí Võ Nguyên Giáp chọn ngay ở Tuyên Quang hoặc Thái Nguyên một địa điểm phù hợp làm trung tâm liên lạc giữa miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài, là nơi ở và làm việc để Người trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa nay mai. Từ Pác Bó, ngày 20-5-1945, Bác Hồ đến địa phận Tuyên Quang. Theo bước chân Người, cả dân tộc bước vào cuộc chuyển động thần kỳ, lớn lao. Đó cũng là những bước vùng lên của cả dân tộc đánh đổ ách đô hộ của thực dân, phong kiến phát xít Nhật và bè lũ tay sai.
Mùa xuân năm 1941 có lẽ là mùa xuân đặc biệt trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, cũng là mùa xuân đặc biệt của cách mạng Việt Nam. Mùa xuân ấy, Người về mang ánh dương quang rực rỡ, mang độc lập tự do, mang mùa xuân trường tồn cho dân tộc Việt Nam.
CAO SƠN