Người lính già kể chuyện Điện Biên

Thứ ba, ngày 07/05/2019

(BDO)  Đã 65 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn in đậm trong tâm trí của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Những câu chuyện của ông đã dẫn dắt chúng tôi quay về những tháng năm hào hùng của dân tộc, về một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

 Ông Vi Viết Sơn nâng niu và giới thiệu về kỷ vật còn lưu giữ lại khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Ảnh: CAO SƠN

 Mường Pồn truy kích địch

Men theo con hẻm nhỏ tại khu phố 2, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, chúng tôi tìm đến nhà ông Vi Viết Sơn vào một ngày giữa trưa tháng 5 nóng oi ả. Biết chúng tôi đến để nghe kể chuyện về Điện Biện Phủ ông vui lắm và vui vẻ bắt tay từng người. Cái bắt tay của người chiến sĩ Điện Biên năm nay đã 91 tuổi vẫn rất chặt. Dường như ký ức hào hùng của chiến dịch lịch sử cách đây 65 năm đã dồn vào cái bắt tay ấy.

Trầm ngâm trong giây lát, nhìn về phía xa như lần giở từng trang ký ức, ông Vi Viết Sơn chậm rãi dẫn dắt chúng tôi quay về những tháng năm tham gia quân ngũ của cuộc đời mình. Năm 19 tuổi, người thanh niên Vi Viết Sơn đã tham gia cách mạng; đến năm 1950 thì tham gia Vệ quốc đoàn; cuối năm 1953, ông thuộc biên chế của Đại đội 674, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi Đại đoàn chủ lực của ta hành quân lên Tây Bắc, ngày 20-11-1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống đánh chiếm Điện Biên Phủ. Thực hiện kế hoạch của Nava, ngày 6-12-1953, quân Pháp rút khỏi Lai Châu, một bộ phận quân địch được máy bay đưa về, còn một số rút theo đường bộ.

Được tin địch rút, ngày 7-12- 1953, Bộ chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho Sư đoàn 316 nhanh chóng cho một đơn vị theo đường 41 đánh vào TX.Lai Châu, còn đại bộ phận đến Tuần Giáo theo đường tắt qua đèo Pa Phông cắt ngang đường Lai Châu - Điện Biên để tiêu diệt quân địch rút lui. Ngày 10-12-1953 quân ta được lệnh tiến đánh và giải phóng Lai Châu, địch bị đánh mạnh ở Lai Châu buộc phải rút về Điện Biên Phủ.

Sáng ngày 12-12-1953, đại đội của ông hành quân tới Mường Pồn. Do biết tiếng của dân tộc địa phương, ông được giao nhiệm vụ trinh sát. Qua thời gian theo dõi, ông cùng các đồng đội phát hiện trong bản có nhiều quân địch từ Lai Châu rút về đang tập trung ở đây. Đại đội của ông lập tức tiến hành bao vây và nổ súng tiêu diệt địch. Quân địch lợi dụng có máy bay yểm trợ, thấy lực lượng của ta ít chúng kiên quyết đánh bật quân ta để mở đường rút về Điện Biên Phủ. “Các chiến sĩ Đại đội 674 của chúng tôi chiến đấu rất dũng cảm, kiên quyết siết chặt vòng vây, bám sát trận địa bằng mọi giá để lực lượng ta triển khai các kế hoạch tiếp theo. Trong trận này, nổi lên tấm gương anh hùng Bế Văn Đàn đã anh dũng lấy hai vai làm bệ đỡ súng trung liên để đồng đội siết cò. Anh hy sinh khi hai tay vẫn nắm chặt giá súng. Tấm gương hy sinh của anh là niềm cổ vũ lớn lao cho đồng đội bám sát trận địa, kiên quyết xông lên tiêu diệt kẻ thù”, ông Sơn xúc động nhớ lại.

Đến sáng ngày 13-12-1953, lực lượng ta được tăng cường và bắt đầu đánh vào Mường Pồn. Địch chống trả quyết liệt. Lực lượng ta chiến đấu ngoan cường. Sau 30 phút, quân ta làm chủ hoàn toàn trận địa, loại khỏi vòng chiến đấu 2 đại đội bộ binh thuộc tiểu đoàn ngụy số 301 và đại đội vận tải, diệt tại chỗ 92 tên địch, bắt sống 52 tên, thu toàn bộ vũ khí. Những ngày sau, cánh quân từ Điện Biên Phủ lên ứng cứu cánh quân từ Lai Châu về cũng bị đánh tới tấp. Địch thương vong và bị bắt nhiều, ta hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Khốc liệt đồi A1

Sau câu chuyện về những ngày đầu của Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Pồn, ông Sơn bảo chúng tôi đợi ông một lát để ông đi lấy những kỷ vật chiến trường ông còn lưu giữ để chúng tôi xem. Phải mất hơn mười phút đồng hồ, lần mở 2 - 3 cửa tủ ông mới cẩn thận lấy ra “kỷ vật” của cuộc đời mình. Đó là chiếc võng và tấm vải dù. Ông nói: “Đấy! 65 năm nay tôi vẫn lưu giữ cẩn thận hai bảo vật này của tôi. Đến khi nào tôi nằm xuống thì sẽ gửi vào bảo tàng để trưng bày”.

Hai món đồ vật lưu niệm này ông đã mang theo mình suốt 65 năm qua từ lúc tham gia trận đánh đồi A1. Ông bồi hồi nhớ lại: Sư đoàn 316 được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm đồi A1, cứ điểm khó đánh nhất trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đến cuối tháng 3-1954, cuộc chiến giữa ta và địch tại đồi A1 vẫn dằng dai và rất quyết liệt. Đơn vị của ông được giao nhiệm vụ trực tiếp đào hào vào ụ súng của địch. “Mỗi người được giao 2 cán xẻng để đào giao thông hào. Tất cả phải đào bí mật vào ban đêm. Lúc này, quân địch dựa vào một phần còn lại của hầm ngầm kiên cố tiếp tục chống cự kịch liệt với ta. Có những lúc ta và địch giằng co nhau từng mét đất”, ông Sơn nói.

Đơn vị của ông lúc đầu có 42 chiến sĩ và được trang bị 2 khẩu cối 60mm. Sau thời gian chiến đấu, đơn vị của ông thương vong nhiều, còn chưa tới một nửa nhưng các chiến sĩ vẫn kiên quyết bám sát trận địa, bí mật cướp vũ khí, đạn dược, hàng tiếp tế của địch. Đến ngày 4-4, quân ta bị thương vong nên Bộ Chỉ huy mặt trận quyết định rút quân để củng cố lực lượng và tìm cách đánh khác đó là đào đường ngầm để đặt bộc phá.

Ông Sơn kể lại, lúc đó tiểu đoàn ra thông báo đến giữa đêm ta sẽ cho kích nổ quả bộc phá, các chiến sĩ phải quay lưng vào vách giao thông hào, tay bám chặt mép, miệng mở rộng để giảm sức ép từ quả bộc phá. Khi quả bộc phá trên đồi A1 được kích nổ, quân địch còn dưới hầm A1 hầu hết đã bị thương vong lớn do sức ép. Hầm Đờ-cát cách đồi A1 mấy trăm mét cũng ầm ầm rung chuyển. Sau khi khối bộc phá phát nổ, bộ đội ta từ ba hướng xung phong, trận chiến đấu diễn ra ác liệt. Đến 4 giờ 30 phút ngày 7-5, ta tiêu diệt hai đại đội dù lê dương, làm chủ đồi A1. Cùng thời điểm, lực lượng ta cũng nhanh chóng đánh chiếm thành công các cứ điểm khác. Lực lượng ta chuyển ngay sang tổng công kích, diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm, giành thắng lợi hoàn toàn.

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Vi Viết Sơn còn tiếp tục chiến đấu ở các mặt trận khác cho đến khi nghỉ hưu. Với mỗi trận đánh ông đều vượt qua các khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Với ông, những ký ức về thời gian tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ là sâu đậm nhất. Đó là thời hoa lửa với niềm tin từ Bác Hồ kính yêu về tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Từ tinh thần ấy, ông và các đồng đội đã vượt qua gian khổ, thử thách, hy sinh, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

65 năm đã trôi qua, người chiến sĩ Điện Biên Vi Viết Sơn mỗi khi nhớ lại thời gian tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn như cảm nhận được không khí sục sôi, chí khí ngất trời của chiến sĩ ta tại “chảo lửa” Điện Biên năm nào. Giờ đây, tuy tuổi đã cao, sức khỏe có phần hạn chế nhưng mỗi khi có người muốn nghe ông kể chuyện Điện Biên ông lại hào hứng kể lại như một sự tri ân với những đồng đội đã hy sinh cũng như để nhắc nhở thế hệ trẻ phải luôn tự hào về chiến công hiển hách này của cha ông cách đây 65 năm...

 CAO SƠN