Người lao động ngóng chờ tăng lương tối thiểu vùng
(BDO) Dù phương án tăng lương tối thiểu vùng ở mức 6% chưa đạt như kỳ vọng nhưng người lao động (NLĐ) tại Bình Dương đang ngóng chờ từng ngày, mong muốn không kéo dài hơn sau ngày 1-7. Bởi gần 2 năm qua, dịch bệnh Covid-9 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh, nên nhiều doanh nghiệp (DN) chưa tăng lương cho NLĐ. Bên cạnh đó, giá cả nhu yếu phẩm tăng cao, giá thuê nhà trọ cũng tăng nhẹ vào đầu năm nay nên đời sống NLĐ nhìn chung gặp nhiều khó khăn.
Nhiều DN tại Bình Dương đồng tình với mức tăng lương tối thiểu vùng 6% vào ngày 1-7 cho NLĐ
Tăng lương, giảm gánh nặng tiền thuê trọ
Theo quy định lương tối thiểu vùng, Bình Dương thuộc vùng I, tương ứng mức tăng 260.000 đồng. Với mức tăng này, các cơ quan, DN và NLĐ cho rằng tương đối hài hòa cả lợi ích của DN và NLĐ.
Anh Đoàn Văn Quyền, NLĐ tại Công ty TNHH PK (Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 2, TP.Thủ Dầu Một), cho biết những tháng sau tết, công ty có nhiều đơn hàng nên tăng cường sản xuất, tăng ca bù lại những tháng ảnh hưởng dịch bệnh. Qua đó, thu nhập của công nhân lao động tăng cao so với trước. Tuy nhiên, bù lại giá xăng tăng cao, kéo theo tăng giá các mặt hàng nhu yếu phẩm, khiến đời sống NLĐ không khá hơn trước. Đó là chưa tính giá thuê phòng cũng cao hơn trước. Nếu kiếm được một phòng rộng rãi, thông thoáng đủ để 2 vợ chồng và con cái ở được phải mất không dưới 1,5 triệu đồng/tháng. Đó là chưa tính tiền học hành cho con và bao khoản tiền phải chi tiêu. “Vợ chồng tôi rất quan tâm đến việc tăng lương tối thiểu vùng trong những ngày qua. Theo mức tăng này, chúng tôi có thêm mỗi tháng hơn 500.000 đồng. Số tiền này bù vào tiền thuê nhà hay tiền thức ăn mỗi ngày cũng giúp NLĐ vơi đi phần nào khó khăn trong giai đoạn vật giá leo thang hiện nay”.
Chị Nguyễn Thị Kiều, công nhân một công ty may ở KCN Mỹ Phước, TX.Bến Cát, chia sẻ 2 năm qua công ty chưa điều chỉnh tăng lương lần nào. Hiện mức thu nhập NLĐ tại công ty mỗi tháng dao động khoảng từ 7 - 9 triệu đồng, đã tính tăng ca. Với mức thu nhập này của cả 2 vợ chồng chỉ đủ trang trải cho 2 con nhỏ trong độ tuổi ăn học. Tháng nào tiết kiệm lắm, chỉ dư 2 - 3 triệu đồng để dằn túi. Mức tăng 6% tương ứng với 260.000 đồng tuy không nhiều nhưng cũng giúp gia đình chị có thêm khoản nhỏ để chi tiêu mỗi tháng.
Trong khi đó, anh Nguyễn Chí Thành, công nhân Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (phường An Thạnh, TP.Thuận An), cho biết mấy hôm nay, anh em trong công ty, khu trọ vẫn đang ngóng chờ, xem có thay đổi gì trước việc tăng lương tối thiểu vùng sau ngày 1-7 hay không. “Tâm lý NLĐ thì ai cũng mong tăng lương, được đồng nào hay đồng đó. Lương tăng, đồng nghĩa các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tăng, NLĐ được hưởng lợi sau nhiều năm làm việc cộng lại”, anh Thành nói.
Doanh nghiệp đồng tình
Dù gặp không ít khó khăn do dịch bệnh, nhưng rất nhiều DN tại Bình Dương đồng tình với việc tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ, thậm chí có không ít DN đã tăng lương trước đó. Ông Huỳnh Văn Chữ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bao bì và khoáng sản số 1 (phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An), cho biết: “Mấy hôm nay tôi cũng đọc nhiều thông tin trên các phương tiện truyền thông về việc tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ. Đứng ở góc độ DN, khi tăng lương tối thiểu vùng, buộc DN phải chịu thêm một phần kinh phí cho việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ. Thời gian sau dịch bệnh, giá đầu vào của sản phẩm tăng cao, nên khi gánh thêm khoản tăng lương cho NLĐ, buộc DN phải tăng giá sản phẩm bán ra để bù vào lợi nhuận. Tuy nhiên, việc tăng giá sản phẩm trong giai đoạn hiện nay sẽ dẫn đến việc rất khó cạnh tranh với DN khác. Vì thế, một số DN đang gặp khó khăn sau dịch bệnh mong muốn dời ngày tăng lương tối thiểu vùng qua đầu năm 2023”.
Theo quy định lương tối thiểu vùng, Bình Dương thuộc vùng I, tương ứng mức tăng 260.000 đồng. Với mức tăng này, các cơ quan, DN và NLĐ cho rằng tương đối hài hòa cả lợi ích của DN và NLĐ. |
Cũng theo ông Chữ, đứng ở góc độ NLĐ, đã 2 năm qua họ không được tăng lương tối thiểu vùng, nên gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong năm 2021, nhiều tháng liền phải nghỉ việc do ảnh hưởng dịch bệnh, vậy lấy gì để bù vào sinh hoạt. Cái khó của DN là ở tầm vĩ mô, còn cái khó của NLĐ là cấp bách, thiết yếu, cần phải xem xét ngay. “Năm 2021, dù công ty của tôi cũng gặp khó, nhưng đã tăng lương cho công nhân khoảng 5%, tương ứng 200.000 đồng/ người/tháng. Mỗi lao động bình quân đạt thu nhập từ 9 - 10 triệu đồng/tháng. Tôi thấy Chính phủ quyết định tăng lương 6% sau ngày 1-7 là hợp lý, không nên kéo dài hơn nữa. Công ty của tôi tiếp tục tăng thêm 6% cho NLĐ, thậm chí nếu lợi nhuận tăng cao vào cuối năm, công nhân sẽ được thưởng tết nhiều hơn”.
Đồng tình với ý kiến của ông Chữ, ông Dương Quang Hiệp, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông (KCN Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên), nhận định: “Mức tăng lương tối thiểu vùng trên là hài hòa cả phía DN và NLĐ. Trong giai đoạn khó khăn này, nếu tăng quá cao thì DN có thể sẽ điều chỉnh các khoản thưởng để bảo đảm cân đối thu chi. Thực tế, khi Nhà nước chưa tăng thì công ty tôi đã tăng 6 - 10% từ đầu năm 2022 vì thấy mức sống, mức chi tiêu của NLĐ tăng lên nhiều trong 2 năm qua. Bên cạnh đó, cần phải tăng lương để vừa giữ chân vừa thu hút nguồn lao động”.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Vân, Phó Chủ tịch Công đoàn Các KCN tỉnh cũng cho rằng mức tăng này là phù hợp. Cách đây 2 tháng, một số DN ở KCN Sóng Thần 1, 2 đã tăng khoảng 300.000 đồng; một số DN ở KCN Đồng An thì tăng 250.000 đồng và có cam kết nếu mức lương tối thiểu tăng hơn thì sẽ điều chỉnh để bù đắp đủ 6%.
Nhìn chung, với mức tăng lương tối thiểu vùng lên 6% như hiện nay là khá hài hòa giữa NLĐ và DN. Bởi trong gần 2 năm qua nhiều DN trên địa bàn chưa điều chỉnh tăng lương nên việc tăng lương cần thực hiện sớm.
QUANG TÁM