Người lao động mượn hồ sơ đi làm, coi chừng chịu thiệt

Thứ hai, ngày 18/05/2020

(BDO) Khoảng 1 năm nay, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Bình Dương phát hiện trên 60 trường hợp mượn hồ sơ của người khác để đi làm trong các công ty, xí nghiệp trên địa bàn. Việc này không chỉ vi phạm về pháp luật, mà người lao động sẽ chịu thiệt thòi về các chế độ BHXH.


Người lao động không nên mượn hồ sơ của người khác để đi làm, tránh phiền phức và chịu thiệt trong quá trình tham gia BHXH

Sau thời gian rà soát lại tất cả người tham gia BHXH trên toàn địa bàn theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH Bình Dương liên tục phát hiện người lao động trùng tên trong quá trình tham gia bảo hiểm. Như thế, có thể hiểu người lao động mượn hồ sơ của người khác để vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp; hay nói cách khác là sử dụng hồ sơ giả để đi làm cũng không sai.

Điển hình như mới đây, vào ngày 28-4, khi xác minh hồ sơ cá nhân tham gia BHXH, BHXH Bình Dương đã phát hiện chị Lê Thị H., (sinh năm 1992) mượn hồ sơ của chị Lê Thị H., (sinh năm 1986) để làm hồ sơ tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại Công ty TNHH Framas VN. Trong khi đó, chị Lê Thị H. tham gia đóng BHXH ở nhiều công ty khác nhau.

Trước đó, vào ngày 19-3, BHXH Bình Dương phát hiện chị Võ Thị Thùy Nh. (sinh năm 1995) đã mượn hồ sơ của chị Võ Thị Thùy L., (sinh năm 1993) để làm hồ sơ tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại Công ty TNHH Chiến Thắng. Trong khi, chị Võ Thị Thùy L. đang làm việc tại Công ty TNHH S.J Vina và đang đóng BHXH tại công ty này…

Vì sao người lao động lại mượn hồ sơ của người khác để đi làm? Việc này, ông Nguyễn Văn Dạ, Phó trưởng phòng Cấp sổ, thẻ BHXH Bình Dương, cho biết đa phần những người lao động mượn hồ sơ của người khác để đi làm có quê xa, nên họ dùng chung hồ sơ cho tiện việc xác minh, chứng nhận việc gì đó khi cần. Người cho mượn hồ sơ có địa chỉ thường trú tại Bình Dương hoặc các tỉnh, thành lân cận. Và hầu hết, người mượn và người cho mượn hồ sơ đều có mối quan hệ thân thiết. Có khi là chị, anh em ruột, còn không thì cũng là họ hàng thân cận. Họ không chênh lệch về độ tuổi là bao. Hơn nữa, cả người mượn và người cho mượn hồ sơ đều thiếu hiểu biết về pháp luật và hầu hết là lao động phổ thông.

Nói về việc giải quyết, giúp đỡ người lao động, không để họ bị thiệt khi lỡ dùng hồ sơ của người khác tham gia BHXH, ông Dạ cho biết theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH Bình Dương đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, qua đó, giúp người lao động làm lại hồ sơ đúng họ tên của mình để hưởng các chế độ BHXH trong quá trình lao động. Việc này đã gặp không ít khó khăn, mất khá nhiều thời gian. Bởi phải giải quyết dứt điểm cho cả người mượn và người cho mượn hồ sơ. Trong quá trình xác minh, có khi đến nơi mà người lao động làm việc vài năm trước thì công ty này đã giải thể, có công ty thì thay đổi quản lý nên không xác minh cho người lao động… Tính đến nay, BHXH Bình Dương đã giải quyết được 60 hồ sơ và đang tiếp tục thực hiện hàng chục hồ sơ còn lại.

Theo tìm hiểu của P.V, thời gian qua có rất nhiều công ty, xí nghiệp khi tuyển dụng lao động, nhất là lao động phổ thông thường không xem xét hồ sơ một cách cẩn thận, vì cho rằng không quá quan trọng. Tuy nhiên, việc này lại ảnh hưởng rất lớn đến người lao động, khi họ công tác nhiều năm và tham gia các loại bảo hiểm trong quá trình làm việc. Theo ông Dạ, việc dùng hồ sơ người khác để đi làm, thứ nhất là vi phạm về luật pháp, thứ hai là không thể thanh toán BHXH khi hai người cùng chung hồ sơ nếu bị phát hiện. Nếu BHXH Việt Nam không đồng ý cho người lao động làm lại hồ sơ để được hưởng BHXH, hay chỉ cần thay đổi một quy định nào đó trong luật BHXH sau đợt rà soát này thì thiệt thòi thuộc về người lao động.

 QUANG TÁM