Người lao động kỳ vọng tiền lương năm 2023 sẽ tăng từ 10% trở lên
(BDO)
Bước sang năm 2023, những chính sách tác động lên thu nhập là mối quan tâm và kỳ vọng hàng đầu của người lao động.
Tiền lương của người lao động trong năm 2022 vẫn bị ảnh hưởng bởi giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, do đó đa số người lao động vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào việc tăng lương trong năm 2023.
Đây là thông tin được đưa ra trong Báo cáo khảo sát về thực trạng thu nhập của người lao động năm 2022 và kỳ vọng của người lao động đối với năm 2023 do Navigos Group vừa công bố.
Ông Gaku Echizenya, CEO Navigos Group nhận định bức tranh thị trường Việt Nam năm 2022 có nhiều điểm sáng, lực lượng lao động có xu hướng tăng nhanh và ổn định. Người lao động cũng đang có những thay đổi về nhu cầu và kỳ vọng về công việc.
Theo khảo sát của Navigos Group, nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19 nên chưa thể áp dụng chính sách tăng lương hấp dẫn hơn cho nhân viên của mình. Điều này thể hiện rõ nét qua kết quả khảo sát.
Khi được khảo sát về thực trạng thu nhập năm 2022, gần 27% người lao động cho biết mức lương của họ tăng "từ 5% đến dưới 10%", gần 12% tăng lương “từ 10% đến dưới 15%." Đặc biệt, hơn 23% người lao động được khảo sát có mức lương không đổi và hơn 15% có lương "ít hơn 5%".
Bước sang năm 2023, những chính sách tác động lên thu nhập là mối quan tâm và kỳ vọng hàng đầu của người lao động. Khi được hỏi về sự kỳ vọng về chính sách lương thưởng của công ty trong năm 2023, gần một nửa số người tham gia khảo sát kỳ vọng "lương sẽ được tăng đều hàng năm từ 10% trở lên," chiếm tới 45,62%.
Về các khoản phụ, trợ cấp, người lao động kỳ vọng doanh nghiệp có “thêm nhiều phúc lợi từ các hoạt động tập thể, văn hóa, văn nghệ, du lịch” với tỷ lệ 5,5%. Bên cạnh đó, người lao động cũng mong muốn doanh nghiệp có thêm các trợ cấp vào các ngày lễ, nghỉ trong năm (4,7%) và có sự tăng thêm các khoản phụ cấp cơ bản (4,58%).
Bên cạnh các kỳ vọng về lương, thưởng và phúc lợi, người lao động cũng đặt thêm nhiều kỳ vọng khác vào doanh nghiệp như "mong đợi sự an toàn từ doanh nghiệp, sự nghiệp vẫn ổn định khi có các yếu tố rủi ro bất ngờ xảy ra" và "kỳ vọng văn hóa doanh nghiệp thay đổi, với môi trường cởi mở và thẳng thắn chia sẻ thông tin."
Có thể thấy, ngoài tăng lương, sự an toàn và ổn định nghề nghiệp cũng là một trong những kỳ vọng, mong muốn của người lao động dành cho các doanh nghiệp trong năm 2023.
Theo dự báo của các chuyên gia Navigos Group, thị trường thế giới năm 2023 còn tiềm ẩn những nhân tố bất lợi nhưng sẽ có khả năng có thể sẽ phục hồi trở lại từ giữa năm 2023. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mở ra những triển vọng cho Việt Nam trong năm tới.
Việc thu hút vốn đầu tư FDI trong ngành sản xuất tại Việt Nam năm 2022 khá tốt với hơn 22 tỷ USD và nếu được triển khai trong 2023 sẽ có tác động tích cực tới ngành kinh tế Việt Nam nói chung và ngành sản xuất nói riêng. Hiện nay, khu vực FDI (chiếm hơn 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và hơn 75% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022) đã trực tiếp và gián tiếp tạo ra việc làm cho khoảng 12 triệu lao động Việt Nam. Sự phục hồi và phát triển của ngành sản xuất là tín hiệu tích cực cho thị trường lao động Việt Nam trong thời gian tới./.
Theo TTXVN