Người khuyết tật vươn lên thoát nghèo

Thứ năm, ngày 16/05/2019

(BDO) Dù bị khuyết tật nhưng họ vẫn luôn tin tưởng vào cuộc sống để khẳng định mình. Họ luôn tự nhủ với bản thân “tàn nhưng không phế”, cố gắng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống để trở thành những người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

* Anh Nguyễn Vũ Thanh Hùng: Vượt qua số phận

Con người sinh ra ai cũng mong muốn mình được khỏe mạnh, với anh Nguyễn Vũ Thanh Hùng (SN 1981) ở ấp Đồng Tâm, xã An Bình cũng vậy. Thế nhưng cuộc đời anh không được suôn sẻ, anh chẳng may trở thành người khuyết tật khi tuổi đời còn trẻ. Dù số phận trớ trêu, nhưng anh Hùng đã cố gắng vượt qua nỗi đau để tiếp tục sống có ích.

Anh kể lại, do không có đất đai để sản xuất, trước đây anh đi làm thuê kiếm sống, còn vợ anh thì làm công nhân cho một công ty ở địa phương. Trong một lần đi phát rẫy, chẳng may anh cuốc phải đạn 105 ly bị thương đứt chân trái, tay trái phải nằm bệnh viện hàng tháng trời. Kể từ đây, cuộc đời người thanh niên ấy bước sang một trang mới đầy khó khăn thử thách ở phía trước. Từ một người là trụ cột của gia đình, nay trở thành người tàn phế anh vô cùng hụt hẫng. Được sự động viên của người thân anh dần lấy lại thăng bằng trong cuộc sống, xóa đi suy nghĩ trở thành gánh nặng. Khi đã bình phục, anh tập trung làm việc kiếm sống tùy theo sức khỏe của mình. Ngày ngày anh vô rừng lượm củi về bán. Lâu ngày củi cũng cạn, hơn nữa anh không có sức để đi xa hơn nên anh chuyển sang chăn nuôi bò. Thấy con vất vả, ba anh đã sắm chiếc máy cày và gọi anh về cùng đi làm củi với ông, trung bình mỗi ngày kiếm được khoảng 100.000 đồng.

Thương vợ vất vả, hàng ngày anh Hùng vừa lao động, vừa sắp xếp thời gian đưa rước con đi học, làm việc nhà. Cuộc sống gia đình anh tuy không khá giả nhưng vẫn tràn đầy hạnh phúc, con cái chăm ngoan. Anh chia sẻ, từ thu nhập ổn định của vợ, cộng với số tiền anh lao động mà có và được Nhà nước trợ cấp 680.000 đồng/tháng, đủ để gia đình trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Anh cũng được địa phương cấp thẻ bảo hiểm y tế, nên bệnh đau cũng không còn là nỗi lo.

* Chú Nguyễn Văn Đồng: Nghị lực vươn lên

Ấn tượng khi chúng tôi gặp chú Nguyễn Văn Đồng ở ấp 7, xã An Linh là đôi mắt sáng ngời của chú như muốn nói với mọi người rằng, chẳng có khó khăn gì mà không vượt qua nếu mình không cố gắng. Rồi chú kể cho chúng tôi nghe về cái ngày xưa có hoàn cảnh khó khăn, những bước vực dậy vươn lên trong cuộc sống cho đến ngày hôm nay.

Vào những năm 1995 chú Đồng vào Bình Dương lập nghiệp, xây dựng kinh tế. Cuộc sống nghèo đói, khó khăn trăm bề. Bản thân chú bị bệnh teo cơ, khuyết tật, vợ lại mất sức lao động, tưởng như cuộc sống thế là chấm hết. Thế nhưng vì gia đình, vì vợ con chú luôn tự nhủ mình phải cố gắng gấp trăm, gấp ngàn lần người bình thường khác. Thế là ngày nào cũng vậy, chú đi đến các công trình để xin phụ hồ, làm bất cứ công việc gì cũng được. Có nhiều khi chú thất nghiệp bởi người ta không muốn nhận người khuyết tật vào làm việc. Thế là chú đành phải “năn nỉ” xin được làm mướn ở các nhà thầu, hai vợ chồng tính một công bởi chú khuyết tật phải có người làm cùng. Ai thuê việc gì chú đều sẵn lòng làm, miễn sao có tiền chi trả cuộc sống và nuôi con ăn học. Từ việc đào hầm (chú quỳ xuống đào, cô mang đất đi đổ), đến việc bửa củi, xịt cỏ, cắt cây… Nhờ chăm chỉ làm ăn, chú Đồng tích góp và vay vốn ngân hàng sửa lại căn nhà, mua đất để canh tác, trồng trọt. Hiện nay chú Đồng có 7 sào đất trồng cao su, ngoài trồng cao su chú còn xen canh trồng các loại cây trồng khác, nuôi gà để kiếm thêm thu nhập. Cứ như vậy cuộc sống gia đình chú Đồng cũng dần ổn định, khấm khá lên từng ngày. Chú Đồng cho biết: “Nhiều lúc nhớ lại những ngày tháng cơ cực mà tôi không cầm lòng, xúc động nhưng hôm nay tôi tự hào bởi chính bàn tay tật nguyền và nghị lực vượt qua số phận mà gia đình tôi có cuộc sống như ngày hôm nay. Cảm ơn chính quyền, đoàn thể các cấp luôn đồng hành, hỗ trợ gia đình tôi những lúc khó khăn nhất”.

ÁNH SÁNG - HOÀNG KIM