Người hoạt động không chuyên trách: Bài toán khó đã có lời giải
(BDO) Bài 1: Nỗi niềm biết tỏ cùng ai?
LTS: Người hoạt động không chuyên trách (NHĐKCT) cấp xã là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính quyền cơ sở. Họ là lực lượng luôn song hành cùng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong việc làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, trực tiếp tham gia vào các hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. NHĐKCT ở cấp xã cũng là lực lượng có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Mặc dù vậy, trong một thời gian dài, các chế độ, chính sách đối với NHĐKCT còn nhiều bất cập, chưa được tháo gỡ kịp thời nên nhiều người vẫn có nỗi niềm, tâm tư, nhất là ở địa bàn có đông dân cư, nơi áp lực công việc lớn...
Nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ cơ sở ở các địa phương có đông dân số như TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An đều luôn phải làm việc trong tình trạng quá tải bởi khối lượng công việc quá nhiều. Áp lực công việc của đội ngũ cán bộ cơ sở càng tăng khi các địa phương phải thực hiện sắp xếp, tinh gọn biên chế theo chủ trương chung. Công việc đã nhiều lại phải choàng gánh thêm nhiều việc không tên nhưng thu nhập chưa tương xứng, nhất là với những NHĐKCT.
Những người “đa năng”
Công tác văn thư lưu trữ; tham mưu các báo cáo, kế hoạch, chương trình hoạt động; tiếp dân, theo dõi đơn thư khiếu nại, tố cáo; giám sát, phản biện xã hội; giám sát đầu tư của cộng đồng; công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chăm lo hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn; thực hiện đối ngoại nhân dân; thăm cơ sở tôn giáo, thân nhân kiều bào; phối hợp với HĐND, UBND thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương... Đó là danh sách những đầu việc chính mà anh Nguyễn Hiền Nhơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thuận Giao, TP.Thuận An được phân công hoặc phối hợp thực hiện trong vai trò, chức trách của mình.
Ngoài ra, anh còn theo dõi, kiện toàn Ban công tác mặt trận khu phố, các tổ bảo vệ môi trường; tham gia các hoạt động do cấp trên phát động; tập huấn, hội thi, Chủ tịch Công đoàn cơ sở phường. Đó là chưa kể những công việc không tên ở phường và cơ sở mà anh Nhơn phải tham gia, phối hợp thực hiện.
Anh Nguyễn Hiền Nhơn (thứ 2, trái qua), Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thuận Giao, TP.Thuận An tham gia tuyên truyền PCCC
Anh Nhơn là một trong 12 NHĐKCT của phường Thuận Giao. Cũng như những NHĐKCT ở phường, anh Nhơn cho biết, trước đây công việc của anh tại Ủy ban MTTQ Việt Nam phường cũng nhiều nhưng anh em chia sẻ, hỗ trợ cùng nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, từ khi phường giảm một Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ theo chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy thì công việc của anh lại càng nhiều thêm. Với hơn 10 đầu việc chính, rõ ràng là một áp lực rất lớn đối với NHĐKCT tại địa bàn có đông dân số như phường Thuận Giao. Theo thống kê mới đây, toàn phường hiện có gần 130 ngàn dân, trong đó có gần 112 ngàn người tạm trú.
Là NHĐKCT, anh Nguyễn Trần Đức, công tác tại phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, cũng có những áp lực công việc mà qua “chức danh” của anh đã nói lên điều đó: Phụ trách công tác giao thông, thương mại - dịch vụ, khoa học công nghệ, hợp tác xã phường Phú Cường. Công việc hàng ngày của anh Đức, ngoài việc khảo sát, tham mưu công tác duy tu, sửa chữa liên quan đến hạ tầng giao thông trên địa bàn phường, còn phối hợp kiểm tra cơ sở kinh doanh bảo đảm hoạt động đúng ngành nghề, niêm yết giá; tuyên truyền, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy, kiểm tra hoạt động hợp tác xã... Anh Đức cho biết, công việc của anh không cố định thời gian, chỉ làm hết việc không hết giờ...
TP.Thủ Dầu Một là trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa xã hội của tỉnh. Những năm qua, thành phố đã tập trung đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị, thực hiện đề án của Thành ủy “Nâng cao chất lượng cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”. Là “trung tâm của trung tâm”, thời gian qua, Đảng ủy, UBND phường Phú Cường thường xuyên quán triệt cán bộ, công chức và NHĐKCT nỗ lực nhiều hơn nhằm thực hiện tốt công tác chỉnh trang đô thị cũng như thực hiện đề án của Thành ủy. Do vậy, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong phường nói chung và NHĐKCT như anh Đức nói riêng càng nặng nề hơn.
“Nòng cốt” của các phong trào
TP.Dĩ An là địa phương có tốc độ phát triển nhanh. Trong khi đó đội ngũ cán bộ cơ sở không tăng ngược lại còn phải sắp xếp, tinh giản theo chủ trương chung đã tạo áp lực công việc rất lớn cho cán bộ, công chức, viên chức nói chung và NHĐKCT nói riêng trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Hiện thành phố có gần 100 NHĐKCT đang làm việc tại các phường. Với đặc thù công việc, họ là những người gần gũi với dân hàng ngày, nhiệt tình tham gia các hoạt động của địa phương và trực tiếp thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân.
Ông Hồ Hồng Minh, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Dĩ An, người từng có thời gian công tác ở cơ sở, cho rằng đội ngũ những NHĐKCT có đóng góp rất quan trọng trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của địa phương. “Trong công việc thường ngày, NHĐKCT luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng chia sẻ, gánh vác công việc với cán bộ chuyên trách. Ngoài giải quyết công việc hành chính được phân công phụ trách, đội ngũ NHĐKCT còn gắn bó với các phong trào ở khu phố, tham gia hoạt động tại cơ sở ở các chi, tổ, hội. Với một thành phố có dân số đông như TP.Dĩ An thì vai trò của NHĐKCT là rất cần thiết cho việc hỗ trợ đội ngũ CBCC giải quyết công việc”, ông Minh đánh giá.
Không chỉ là “cầu nối” giữa chính quyền cơ sở với nhân dân mà cùng với đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, NHĐKCT còn là nòng cốt trong các phong trào, hoạt động của địa phương. Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, cho biết thời gian qua, cùng với các lực lượng khác, NHĐKCT của phường đã khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. “Có người đảm nhiệm cùng lúc nhiều đầu việc rất vất vả nhưng vẫn cố gắng cùng với tập thể thực hiện hiệu quả các phong trào, cuộc vận động, góp phần xây dựng phường Phú Cường ngày càng khang trang, sạch đẹp, văn minh, xứng đáng là trung tâm của TP.Thủ Dầu Một...”, ông Nguyễn Tấn Đạt chia sẻ.
Công việc và những đóng góp của NHĐKCT, nhất là ở những khu vực thành phố, thị xã, nơi có đông dân cư đã được ghi nhận qua thực tế. Song trong một thời gian khá dài các chế độ, chính sách đối với đội ngũ này vẫn còn nhiều bất cập. NHĐKCT cấp xã mặc dù có trình độ chuyên môn và trách nhiệm công việc như cán bộ, công chức cấp xã, nhưng họ không có lương mà hàng tháng chỉ được nhận phụ cấp, mức đóng bảo hiểm xã hội thấp, NHĐKCT là nữ không được hưởng chế độ thai sản. Không chỉ thu nhập mà cơ hội phát triển của NHĐKCT cũng không rõ ràng mặc dù họ có đầy đủ bằng cấp, sức khỏe, kinh nghiệm công tác... Nỗi niềm đó, tâm tư đó đã theo NHĐKCT trong suốt hàng chục năm qua…
(còn tiếp)
TRÍ DŨNG