Người hành nghề chạy xe ba gác, xe tự chế: Chưa được nhận tiền hỗ trợ - tiền vay vì chưa kịp thống kê danh sách?
Chú Nguyễn Tấn Tài và chú Nguyễn Văn Điệp đang trao đổi với phóng viên Thời hạn cấm phương tiện là xe ba gác, xe tự chế lưu thông trên đường đã qua hơn tuần lễ (1-1-2010). Thế nhưng đến hiện tại những người hành nghề này vẫn chưa một ai được nhận tiền hỗ trợ hoặc khoản vay nào để chuyển đổi ngành nghề hoặc mua sắm phương tiện mới. Thế nên, họ vẫn phải tiếp tục hành nghề dù biết vi phạm. Vì sao như vậy?Để thực hiện bài viết, chúng tôi đã trao đổi với khá nhiều người hành nghề chạy xe ba gác, xe tự chế sau khi quyết định cấm các phương tiện xe ba gác, xe tự chế lưu thông có hiệu lực.
Tiếng nói người trong cuộc
Chú Nguyễn Tấn Tài, ngụ phường Phú Cường, TX.TDM cho biết: Qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, chú biết đến ngày 1-1-2010, phương tiện mà chú đang sử dụng làm kế sinh nhai sẽ bị cấm lưu thông nên rất lo lắng. Tuy nhiên, sau đó phường có mời những người hành nghề chạy xe ba gác, xe tự chế ở địa phương lên họp và nói rõ những chính sách hỗ trợ, cho vay của Nhà nước để chuyển đổi ngành nghề hoặc mua xe mới để hành nghề. Do vậy, chú rất yên tâm, thế nhưng thời điểm cấm xe ba gác, xe tự chế đã trôi qua hơn tuần lễ mà chú vẫn chưa nhận được một khoản tiền hỗ trợ hoặc tiếp cận với nguồn vốn vay nào. Chú Tài với giọng buồn buồn trao đổi với chúng tôi: “Nhà tôi thuộc hộ nghèo, tất cả gia đình đều phụ thuộc vào chiếc xe ba gác này. Tôi tính nếu được tiền hỗ trợ và tiền vay, gia đình sẽ cố gắng mua một chiếc xe loại mới để hành nghề. Nhưng vì chưa nhận được tiền hỗ trợ và tiền vay nên buộc phải “tiếp tục” với công việc này dù biết vi phạm...”. Chú không sợ công an à?, tôi hỏi. Chắc lực lượng công an giao thông cũng thông cảm cho mình, vì nếu họ bắt và tịch thu phương tiện thì không biết sống ra sao, chú Tài thật thà trả lời.
Chú Nguyễn Văn Điệp, ngụ phường Chánh Nghĩa, TX.TDM cũng cùng chung tâm trạng: “Bây giờ chạy xe ba gác, xe tự chế ra đường sợ lắm vì đã có quyết định cấm. Nhưng vì cuộc sống, buộc tôi phải tiếp tục chạy. Chúng tôi rất mong nhận được khoản tiền hỗ trợ và tiền vay của Nhà nước để chuyển đổi nghề hoặc mua xe mới để khỏi vi phạm...”.
Anh Nguyễn Phú Quốc (tạm trú xã An Bình, Dĩ An) tỏ ra lo lắng thật sự: “Mình chạy xe ba gác đã hơn 7 năm, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Vì chưa có hộ khẩu thường trú ở Bình Dương nên không thuộc diện được vay. Do vậy, quy định đã có hiệu lực nhưng mình vẫn chạy hàng ngày dù biết vi phạm”.
Chưa kịp thống kê danh sách
Ông Võ Văn Đức, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Bình Dương cho chúng tôi biết: đến thời điểm hiện tại ông mới nhận được danh sách đề nghị được vay của những người hành nghề chạy xe ba gác, xe tự chế ở các huyện Thuận An, Dầu Tiếng, TX.TDM, Bến Cát, Dĩ An. Hai huyện Phú Giáo và Tân Uyên là địa phương chưa gửi danh sách. Chính vì vậy, Ngân hàng CSXH phải chờ các địa phương thống kê đủ danh sách mới đề nghị giải ngân cho vay. Về nguồn vốn, ông Đức cho biết: “Sở Tài chính cam kết khi nào có đủ danh sách sẽ trình UBND tỉnh để giải ngân nguồn vốn này...”. Ông Đức cho biết thêm, trước đây ông có đề nghị với Sở Tài chính là huyện nào gửi danh sách trước thì giải quyết cho vay trước nhưng không được sự đồng ý của Sở Tài chính.
Thời hạn cuối là ngày 31-12-2009 đã trôi qua, nhưng đến hiện tại nhiều địa phương chưa thống kê được danh sách. Vì vậy, vừa qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có cuộc họp với Ngân hàng CSXH, Sở Tài chính và ngành công an để bàn về vấn đề này. Theo đó, sẽ đề nghị UBND tỉnh gia hạn đến ngày 31-3-2010 để hoàn thành việc lập danh sách và mới tiến hành cho vay.
Như vậy, khi người hành nghề chạy xe ba gác, xe tự chế chưa được tiếp cận với nguồn vốn thì họ vẫn phải tiếp tục mưu sinh với nghề của mình dù biết rằng có vi phạm. Vì vậy, nên chăng cần có một quyết định hoãn thêm một thời gian về việc cấm lưu hành xe ba gác, xe tự chế để khi những người hành nghề này được tiếp cận với nguồn vốn vay thì mới áp dụng quy định trên thì có hợp lý hơn?
Theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng CSXH chi nhánh Bình Dương, những người hành nghề chạy xe ba gác, xe tự chế trên địa bàn TX.TDM đề nghị vay khoảng 13,5 tỷ đồng, huyện Thuận An khoảng 4,5 tỷ đồng, Bến Cát 3 tỷ đồng, Dĩ An hơn 800 triệu đồng và Dầu Tiếng khoảng 300 triệu đồng... Những đối tượng này là những hộ nghèo, cận nghèo. Số tiền vay của mỗi hộ không quá 30 triệu đồng.
Nhân Quang