Người “giữ lửa” nghề rèn truyền thống
Ngày nay, mọi công cụ sản xuất nông nghiệp phần lớn đã được cơ giới hóa. Nhiều vật dụng được làm ra bằng máy móc, nhưng những sản phẩm từ nghề rèn truyền thống không vì thế mà mai một. Lò rèn “ông Hai Bống” ấp Suối Tre, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng vẫn tồn tại và phát triển, tạo nên một thương hiệu riêng.
(BDO)
Ông Bạch Văn Bống miệt mài với công việc
Từ ngọn lửa yêu nghề
Với sự phát triển của công nghiệp, hầu hết các sản phẩm kim loại như dao, kéo, cuốc, xẻng... với nhiều kiểu dáng đẹp, nhẹ, giá mềm được bày bán rất nhiều ngoài thị trường. Nhưng với người dân lao động thì những sản phẩm này được làm thủ công vẫn gắn bó với họ nhiều hơn. Chị Phạm Thị Hoài ở phường Tân Định, TX.Bến Cát cho biết: “Các loại dao ninox bán khá nhiều ở các chợ, siêu thị gia đình mua về dùng nhưng không được lâu thì không còn sắc, khó mài. Vì vậy, tôi thường mua dao, kéo làm thủ công về dùng. Loại dao này sắc bén, chịu lực cao lại bền. Khi dao không còn sắc chỉ cần mài nhẹ dưới đáy chén sứ là dùng như mới.
Nhờ người tiêu dùng vẫn tin dùng sản phẩm thủ công mà nghề rèn được duy trì. Ông Bạch Văn Bống (thường gọi là Hai Bống) ở ấp Suối Tre, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng năm nay đã 55 tuổi và cái tuổi ông gắn với nghề rèn cũng đã hơn 40 năm. Chừng ấy thời gian ông chẳng còn nhớ đôi tay mình đã rèn bao nhiêu con dao, cái rựa, lưỡi cuốc. Bởi ông nối nghiệp cha ông từ khi còn là cậu bé mới 11 tuổi. Ông Bống tâm sự, chính nghề rèn đã chọn ông chứ không phải ông chọn nghề. Từ năm 11 tuổi, ông đã mon men ra lò phụ bốquay bể, xúc than, lắp cán rựa, trả hàng... rồi cứ thế biết làm nghề. Thấm thía cái vất vả, nhem nhuốc của nghề rèn, có thời kỳ ông xác định không theo nghiệp gia đình. Nhưng hàng ngày tiếp xúc với tiếng búa, tiếng đe của bốbên lò rèn ông lại thôi ý định đi học. Cứ thế cho đến khi trở thành cậu thanh niên lực lưỡng ông đã thành thạo tay nghề. Ông Bống tâm sự: “Khi ấy, sức khỏe của bốtôi yếu dần và khuyên nhủ với tôi rằng: Bố theo nghề này vẫn đủ sức lo cho 5 anh chị em con ăn học. Đây là nghề của gia đình, con lại biết việc, đừng để uổng phí. Thế là trở về với nhịp đập đời thường tôi lại tiếp tục nện búa, rồi thấy yêu, thấy gắn bó với cái bể, cái lò lúc nào không hay”.
Để có con dao, cái rựa sắc lâu, người thợ rèn phải chọn loại thép tốt như: Chốt xe tăng, nhíp ô tô... Hiện thợ rèn kiếm tiền nhiều nhất là nhờ đập dao cạo mủ cao su. Một con dao cạo mủ nếu sử dụng thường xuyên, chỉ được 1 năm là mòn, công nhân phải đem đến thợ rèn làm lại. Sửa một con dao cạo mủ có giá 30.000 đồng, làm mới 150.000 -250.000 đồng. Trung bình một ngày ông Bống làm và sửa được 10 - 20 dao cạo mủ. |
Nói xong, ông Bống lại say sưa nện búa vào thanh rựa đang nung đỏ rực. Đôi cánh tay trần vạm vỡ, săn lại giữa những tia lửa nhỏ xíu. Bên cạnh lò than, ông Phan Thanh Tùng, em họ ông Hai Bống (đã theo nghề được 15 năm) đang ráp cán rựa tiếp tục câu chuyện với chúng tôi. Ông Tùng chia sẻ: “Để rèn một sản phẩm phải qua 3 bước: ra phôi, ráp và hoàn thiện; trong đó công đoạn ra phôi quan trọng nhất bởi nó quyết định sản phẩm sau khi ra lò.
Kinh nghiệm trụ với nghề
Ngoài niềm đam mê, người thợ rèn phải sáng tạo, bởi nông cụ rất đa dạng. Khác với miền Bắc, người dân chỉ dùng những công cụ thông dụng như dao, liềm, cuốc... thì ở Bình Dương người dân chủ yếu trồng các loại cây công nghiệp nên nông cụ thường dùng là rựa, cuốc, đặc biệt là dao cạo mủ cao su. Muốn duy trì nghề, đòi hỏi người thợ phải khỏe, kiên trì, khéo léo, yêu nghề để truyền hồn vào từng sản phẩm giúp cho sản phẩm rèn đạt chất lượng cao. Mỗi sản phẩm làm ra phải là tinh hoa đúc kết qua nhiều năm làm nghề. Các công đoạn tạo ra sản phẩm rèn đều có tầm quan trọng riêng, nếu không làm tốt một công đoạn thì sản phẩm làm ra không đạt chất lượng tốt nhất. Với kinh nghiệm hơn 40 năm trong nghề rèn, ông Hai Bống tâm sự: “Để trở thành một thợ rèn có tay nghề làm ra được những sản phẩm có tính thẩm mỹ, có độ bền, sắc bén, đòi hỏi người thợ phải kiên trì học hỏi, rèn luyện qua thực tế rất nhiều”. Theo ông Bống, sở dĩ lò rèn của ông luôn đông khách bởi sốngười làm nghề rèn ngày càng ít đi, mà người dân quê vẫn có thói quen sử dụng các sản phẩm thủ công từ lò rèn như dao, rựa, cuốc, xẻng...
Với ông Bống, nghề rèn chẳng thể mang lại một cuộc sống vương giả, nhưng hơi ấm lửa rèn vẫn mãi đọng lại trong trái tim, trở thành động lực và niềm thôi thúc trong cuộc sống để ông tiếp tục giữ gìn và bám trụ với nghề.
TÂM BÌNH - CÁT THI