Người giữ lửa làng nghề truyền thống
(BDO) Khi nhắc tới bánh tráng Phú An, người dân nơi đây sẽ nhắc tới một người đàn ông mà cuộc đời gắn liền với bao thăng trầm của làng nghề, dành trọn cả tâm huyết với hy vọng giữ gìn và khôi phục lại sự hưng thịnh của bánh tráng Phú An nức tiếng một thời. Đó là ông Nguyễn Thanh Răng ở ấp Bến Giảng, xã Phú An, TX.Bến Cát.
Ông Nguyễn Thanh Răng xem xét cẩn thận mỗi chiếc bánh được tráng ra
Chúng tôi tìm tới nhà ông Nguyễn Thanh Răng vào một buổi chiều sau cơn mưa rào bất chợt của những ngày cuối tháng 4. Nhấp ngụm trà nóng, ông Răng nói về cơ duyên đến với nghề làm bánh tráng. Đó là thời điểm cách nay đã 30 năm. Lúc này, nghề làm bánh tráng phát triển mạnh, từ chỗ một vài hộ làm bánh nhỏ lẻ mà phát triển thành làng bánh tráng Phú An. Cao điểm, xã có tới gần 100 hộ dân làm nghề bánh tráng, lúc nào cũng đông vui nhộn nhịp.
Cũng chính nhờ nghề này mà đời sống của gia đình ông cải thiện hơn, thoát khỏi khó khăn. Thế rồi sau hơn hai thập kỷ phát triển thịnh vượng làng nghề bánh tráng cũng đến giai đoạn khó khăn. Theo xu thế phát triển, nhiều công ty xí nghiệp được mở trên địa bàn, trong khi đó nghề làm bánh tráng lại gặp nhiều khó khăn như giá nguyên liệu, nhân công cao, đầu ra lại không ổn định, giá bán thấp đã làm cho nhiều người phải bỏ nghề, dẹp lò tráng bánh tráng để đi làm công nhân cho các công ty, xí nghiệp. Dần dần, làng nghề phồn thịnh khi xưa giờ chỉ còn lác đác vài ba hộ còn yêu nghề quyết tâm bám trụ.
Là người dành phần lớn thời gian của cuộc đời để gắn bó với nghề làm bánh tráng nhưng nay thấy cảnh nhiều người không mặn mà với nghề, bếp lò tắt lửa im lìm nên ông cảm thấy buồn vô cùng. Mặc dù giai đoạn đó ông cũng là người chịu thiệt hại lớn khi nghề bánh tráng gặp khó khăn nhưng với tình yêu lớn dành cho nghề, ông không cho phép bản thân mình từ bỏ cái nghề đã giúp ông và gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Với quyết tâm không để nghề bánh tráng mai một và mong muốn đưa công nghệ vào làng nghề, năm 2010, ông vay mượn thêm từ nhiều nơi mua máy móc hiện đại với giá hơn 700 triệu đồng để đầu tư vào cơ sở sản xuất bánh của gia đình. “700 triệu đồng lúc đó là số tiền tương đối lớn đối với gia đình, nhưng nghĩ lại đây là quyết định đúng của tôi. Từ khi có máy móc, tôi giảm được chi phí thuê nhân công rồi sản phẩm làm ra cũng tăng đáng kể”, ông Răng chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, theo ông Răng nghề bánh tráng rất khó lường, cũng có thể nói là mọi việc ăn thua là do ông trời. Nắng thì được nhưng mưa thì xem như thua. Mỗi lần phơi bánh mà gặp mưa thì cũng đành gom bánh về bán rẻ cho bà con lối xóm cho heo ăn để vớt vát vài đồng tiền bột. Vì vậy, để làm bánh có hiệu quả, một ngày ông phải cập nhật dự báo thời tiết liên tục để có thể dự liệu mà tránh bị thua lỗ vì bị mắc mưa.
Với quyết tâm giữ nghề, hiện nay ông Nguyễn Thanh Răng là chủ cơ sở làm bánh tráng lớn nhất xã Phú An với 15 nhân công đang làm việc, mức lương khoảng 200.000 - 300.000 đồng/ ngày. Mỗi ngày, cơ sở của ông Răng sản xuất được khoảng 500kg bánh với giá bán cho thương lái dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ mọi chi phí, ông thu về gần 2 triệu đồng mỗi ngày.
HỒNG PHƯƠNG