Người già chưa quan tâm đến tăng huyết áp

Thứ ba, ngày 27/01/2015

(BDO)

Trong lần khám sức khỏe cộng đồng mới đây cho các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, bác sĩ (BS) Huỳnh Thị Hồng Đào, khoa khám bệnh Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một cho biết, rất nhiều cô bác không quan tâm đến sức khỏe của mình, trong đó có chứng tăng huyết áp (THA) rất nguy hiểm nếu “lơ là” nó…

BS Huỳnh Thị Hồng Đào đang khám và tư vấn cho bệnh nhân về bệnh THA

THA là một bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới. Tần suất THA trong cộng đồng ngày càng gia tăng và hiện tại đang ở mức rất cao, đặc biệt ở các nước phát triển. Tại các nước đang phát triển có hình thái bệnh tật chuyển đổi từ các bệnh nhiễm trùng là chủ yếu sang các bệnh không lây truyền là chính… Ở nước ta, tỷ lệ THA ngày càng gia tăng. Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh THA trong cộng đồng như: tuổi cao, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia, khẩu phần ăn không hợp lý (ăn mặn, ăn nhiều chất béo), ít hoạt động thể lực, béo phì, căng thẳng trong cuộc sống, rối loạn lipid máu, tiểu đường, tiền sử gia đình có người bị THA... Phần lớn những yếu tố nguy cơ này có thể kiểm soát được khi người dân có hiểu biết đúng và biết được cách phòng tránh. Trừ các nguyên nhân từ tuổi tác, giới tính thì những thói quen không tốt như hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia, ít hoạt động… có thể điều chỉnh để phòng, chống bệnh THA.

Trong khi đó, việc hiểu biết về chứng bệnh này còn rất hạn chế đối với số đông. Ông Huỳnh Văn Đua, 75 tuổi đi khám bệnh từ thiện và nhận quà tặng cho hộ nghèo mới… tình cờ phát hiện mình bị THA. BS Huỳnh Thị Hồng Đào hỏi khi khám bệnh cho ông: “Bác có bao giờ đi khám về bệnh THA chưa? Bác hay nghe mệt hay đau nhói ngực không?”. Ông Đua trả lời chưa khi nào quan tâm đến huyết áp cao hay thấp. Thỉnh thoảng ông thấy chóng mặt, mệt mỏi và đau nhói ngực nhưng tưởng làm việc nhiều mệt, nghỉ một lúc thì cũng qua cơn đau. BS Hồng Đào căn dặn rằng huyết áp 16,9 là quá cao, cần ăn lạt, bỏ thuốc lá, chất kích thích và phải tuân thủ việc uống thuốc mỗi ngày cho huyết áp ổn định. Ông Đua mới thấy rằng, lâu nay mình đã lơ là với sức khỏe quá chừng…

Tương tự nhiều người cao tuổi khác đến khám bệnh hôm đó như ông Nguyễn Văn Cu (phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) cũng cho biết mình chưa hề quan tâm đến triệu chứng của bệnh THA. Ông nói thỉnh thoảng đau ốm gì tự ra nhà thuốc tây mua thuốc về uống chứ không đi khám sức khỏe định kỳ hay khám tổng quát gì cả.

BS Hồng Đào giải thích thêm rằng, hiện nay, chứng THA là nguyên nhân gây đột quỵ nhưng ít người quan tâm để ý đến nó. Các biến chứng của THA là rất nặng nề như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa... Những biến chứng này có ảnh hưởng lớn đến người bệnh, gây tàn phế và trở thành gánh nặng về tinh thần cũng như vật chất của gia đình bệnh nhân và xã hội. Một khi bị tai biến nguy cơ bị liệt một nửa hoặc liệt toàn thân rất cao. Điều đáng quan tâm là những bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo không có điều kiện để lo cho sức khỏe của mình. Con cái họ cũng lo đi làm ăn, quá bận và không đưa cha mẹ đi khám sớm nên có những biến chứng đáng tiếc do THA gây nên. Một điều nữa là người cao tuổi thường hay quên. Họ uống thuốc không đúng liều, không giờ giấc nên cần thiết phải có con cháu nhắc nhở họ uống thuốc điều trị THA theo đúng liệu trình mà bác sĩ đã ghi trong toa.

Từ việc người dân còn chưa quan tâm đến bệnh THA, một trong những giải pháp căn bản trong phòng, chống THA là xây dựng và triển khai mô hình dự phòng và quản lý bệnh THA tại cộng đồng như: Khảo sát tình hình bệnh THA (hiểu biết, yếu tố nguy cơ, tỷ lệ mắc bệnh... tại cộng đồng tham gia dự án). Thực hiện theo dõi dọc theo thời gian, đo huyết áp định kỳ (1 lần/tháng), đánh giá các yếu tố nguy cơ của từng bệnh nhân, tư vấn về thực hiện lối sống lành mạnh để phòng và chống THA, phát thuốc điều trị THA định kỳ cho bệnh nhân cần điều trị thuốc. Ngoài ra, BS cần tư vấn và trao đổi trực tiếp giữa bệnh nhân và các chuyên gia tim mạch về dự phòng và điều trị đúng bệnh THA, tránh những biến chứng do THA gây nên.

QUỲNH NHƯ

Từ khóa: