Người dùng di động chen chúc đăng ký thông tin

Thứ ba, ngày 24/04/2018

(BDO) Dù Cục Viễn Thông đã thông báo, ngày 24-4 không phải hạn chót cập nhật thông tin với chủ thuê bao, mà là thời hạn nhà mạng phải chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, do nhiều người dùng mạng điện thoại di động thiếu thông tin, nhiều thuê bao dù chưa nhận được tin nhắn của nhà mạng cũng đổ xô đến các điểm đăng ký, khai báo cập nhật thông tin thuê bao của các nhà mạng khiến nhiều điểm quá tải, nhiều người dùng mất 1-2 giờ đồng hồ mới cập nhật được thông tin thuê bao của mình.

Đông đảo khách hàng đến đăng ký, cập nhật thông tin thuê bao tại cửa hàng Viettel trên Đại lộ Bình Dương

Theo ghi nhận của chúng tôi, sáng 24-4, tại các điểm đăng ký cập nhật thông tin của người sử dụng thuê bao vẫn có rất đông người đến đăng ký, trong đó nhiều người chưa nhận được tin báo của nhà mạng, hoặc thuê bao trả sau đã có hợp đồng thông tin rõ ràng không cần đến cập nhật nhưng cũng đã đến điểm đăng ký.

Tại điểm đăng ký của Viettel trên Đại lộ Bình Dương, hàng trăm người đã chen chúc chờ đăng ký, cập nhật thông tin thuê bao. Xe máy của những người đến đăng ký tràn ra cả mặt đường. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người sau khi nhận được tin nhắn của nhà mạng yêu cầu cập nhật thông tin thuê bao vẫn rất lo lắng sau ngày 24-4 sẽ bị chặn cả hai chiều.


Khách hàng cập nhật thông tin thuê bao mạng di động Mobifone tại cửa hàng Mobifone Đại lộ Bình Dương

Tại cửa hàng Viettel trên Đại lộ Bình Dương, trong vẻ mệt mỏi, ông Nguyễn Văn Mảnh (75 tuổi), nhà ở phường Hoà Lợi, TX Bến Cát cho biết, ông có mặt từ 8h sáng, nhưng đến 10h30 ông mới cập nhật được thông tin thuê bao của mình. Tương tự, trao đổi với chúng tôi ông Lê Xuân Bằng, khách hàng sử dụng thuê bao của Viettel hơn 10 năm cũng cho biết, phải xếp hàng nhiều giờ để chờ đợi được cập nhật thông tin. Theo một nhân viên của Viettel cho biết, do các sự cố đường truyền nên trong buổi sáng điểm chỉ tiếp nhận, giải quyết cập nhật thông tin thuê bao  cho khoảng 300 khách hàng.

Tại cửa hàng của Mobifone gần đó phải tăng cường thêm nhân viên để giải quyết việc cập nhật thông tin bổ sung cho khách hàng. Tại đây, còn bổ sung quầy ưu tiên dành riêng cho người già, phụ nữ mang thai và người khuyết tật để ưu tiên giải quyết cho khách hàng. Trao đổi với chúng tôi, đại diện của cửa hàng Mobifone cho biết, trong những ngày qua, cửa hàng tiếp nhận, giải quyết cho khoảng 3.000 khách hàng trên địa bàn tỉnh đến khai báo, cập nhật thông tin thuê bao theo Nghị định 49. Trung bình thời gian để cập nhật cho các thuê bao mất từ 1 đến 3 phút cho mỗi trường hợp.

Liên quan việc cập nhật thông tin thuê bao, Cục Viễn thông khẳng định, 24-4 không phải hạn chót để nhà mạng cắt liên lạc của các thuê bao chưa cập nhật thông tin cá nhân. Thay vào đó, đây là thời điểm mà nhà mạng phải chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý về việc chuẩn hóa dữ liệu thông tin thuê bao theo Nghị định 49. Sau thời gian trên, cơ quan quản lý có thể kiểm tra dữ liệu của nhà mạng, nếu các đơn vị chưa cập nhật đầy đủ thì có thể bị xử phạt. 

Như vậy, việc nhà mạng có cắt liên lạc của thuê bao hay không, phụ thuộc vào doanh nghiệp đã thông báo như thế nào cho khách hàng. Bởi nếu nhà mạng thông báo chưa đúng quy trình cho chủ thuê bao theo Nghị định 49 tức là doanh nghiệp vi phạm luật. Cục Viễn thông cho biết, nhà mạng không thể khóa liên lạc một cách bất ngờ mà phải thực hiện đúng quy trình mà Nghị định đã nêu.

Như vậy sau thời điểm ngày 24-4, các nhà mạng sẽ chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý theo Nghị định 49, còn việc nhà mạng cắt chiều điện thoại khách hàng của mình còn phụ thuộc vào thời gian, số lần thông báo của nhà mạng đến thuê bao như đã nêu trên. Do đó, người dùng mạng di động cần phải căn cứ những tin nhắn của nhà mạng để sắp xếp thời gian đến cập nhật thông tin thích hợp. Tránh việc thiếu thông tin mà cùng đổ xô về đăng ký khiến việc quá tải, phải chờ đợi mất thời gian công sức của mình.

Quy trình khóa sim với thuê bao chưa cập nhật thông tin, theo Nghị định 49 như sau: Nhà mạng thông báo liên tục yêu cầu thuê bao cập nhật lại thông tin trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần. Sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo, chủ thuê bao không thực hiện theo yêu cầu bị khóa một chiều. Cùng lúc, nhà mạng ra thông báo sẽ khóa hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện. Sau 15 ngày kể từ ngày này, nhà mạng mới được phép khóa hai chiều. Cùng lúc, ra thông báo thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện. Cuối cùng, sau 30 ngày từ khi khóa hai chiều không thực hiện thì nhà mạng mới được phép thanh lý hợp đồng.

 

MINH DUY