Người đưa thương hiệu trái măng cụt Bình Dương vươn xa
(BDO) Đến xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, hỏi ông Tỵ trồng măng cụt nhiều người đều biết. Ông Nguyễn Văn Tỵ có gần 15 năm gắn bó với nghề trồng cây ăn trái. Năm 2000, ông gom góp được 30 triệu đồng mua 1,5 ha đất bỏ hoang ở ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền. Sau đó ông bắt đầu rửa phèn, cải tạo đất bằng vôi, rồi đắp bờ bao bảo vệ vườn dọc theo sông Sài Gòn.
Ông Tỵ bên vườn cây măng cụt của mình. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Trồng lúa được vài vụ, nhận thấy hiệu quả kinh tế thấp nên ông bắt đầu tìm hiểu các mô hình trồng măng cụt ở các địa phương để có hướng chuyển đổi cây trồng. Năm 2006, ông quyết định trồng 250 gốc măng cụt trên diện tích hơn 1 ha đất. Nhờ sự chịu khó, tìm tòi học hỏi cộng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, vườn măng cụt của ông đã phát triển tốt. Năm 2011, ông thu được 1 tấn, bán ra thị trường, ông thu về 30 triệu đồng, bước đầu cho thấy loại cây này mang lại hiệu quả kinh tế tốt. Sau đó, ông đầu tư xây dựng vườn măng cụt theo quy trình sản xuất sạch và được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Năm 2013, ông Tỵ được Hội Nông dân tỉnh giới thiệu tham gia Hội thi trái cây ngon - an toàn Nam bộ tổ chức tại Khu du lịch Suối Tiên. Kết quả, gian hàng măng cụt của ông đoạt giải nhì. Liên tục các năm sau đó, khi tham gia các hội thi ông đều đạt giải thưởng cao về trái măng cụt. Ông Tỵ đã góp phần đưa trái măng cụt của xã Thanh Tuyền nói riêng và Bình Dương nói chung vươn xa.
Năm 2016, do thời tiết thất thường nhiều vườn măng cụt trên địa bàn tỉnh bị thất mùa nhưng vườn cây của ông vẫn phát triển tốt. Trung bình mỗi ha măng cụt của ông cho năng suất 6 - 8 tấn, mỗi kg được thương lái thu mua khoảng 40.000 - 50.000 đồng, mang lại cho gia đình ông thu nhập vài trăm triệu đồng, cao hơn nhiều so với các loại hoa màu và cây ăn trái khác.
Từ thành công của ông Tỵ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh quyết định lấy mô hình này làm điểm trình diễn sản xuất cây măng cụt VietGAP để nhân rộng tại xã Thanh Tuyền.
QUỲNH NHIÊN