“Người đưa đò” cho võ Việt
Một ngày đầu tháng 8-2012, Phương Tấn vui vẻ gọi tôi đến nhà chìa cho cuốn sách dày cộm, còn thơm mùi mực in. Cuốn “Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới” dày 310 trang, có những bài còn chuyển ngữ sang tiếng Anh và tiếng Pháp để sách được đi xa, cho nhiều người Việt và người học võ Việt trên khắp năm châu được thụ hưởng.
Bị dọa giết vì viết võ
Phương Tấn là một nhà thơ, nhà báo và suốt 40 năm viết báo làm thơ ấy, ông không có một tấm bằng võ sư nào, dù rằng, ông có thừa nhận là thuở niên thiếu có học võ Bình Định và Teakwondo. Tuy nhiên, võ vẫn ngấm vào máu thịt của Phương Tấn và bám lấy ông suốt 40 năm dài đằng đẵng. Trước năm 1975, ông là đặc phái viên bán nguyệt san Võ Thuật. Sau năm 1975, ông là chủ biên của các tạp chí Nghiên cứu Võ thuật, Tìm hiểu Võ thuật, Ngôi sao Võ thuật và hiện nay là Sổ tay Võ thuật. Các tạp chí này là mối dây kết chặt tình thân không những với anh chị em võ thuật trong nước mà cả 5 châu. Nhờ đó, Phương Tấn đã có cuộc hành trình võ thuật đến nhiều nước, dừng chân ở nhiều tỉnh, thành suốt hơn 20 năm qua. Không kể các võ đường, môn phái và võ sư các bộ môn võ thuật khác, ông gần như tiếp xúc trên 90% các võ đường, võ phái, võ sư Việt có tầm vóc và uy tín trong và ngoài nước.
Võ sư Nguyễn Minh Trí và đội tuyển Thiếu Lâm Long Phi tại Liên hoan võ cổ truyền Việt Nam Là một người “ngoại đạo” nên ông có nhiều thuận lợi trong việc tìm hiểu, bóc tách các đề tài về võ thuật. Các bài viết về võ thuật trên các ấn phẩm kể trên vì thế cũng trở nên sống động và được nhiều người trong và ngoài giới võ thuật trân trọng. Tuy nhiên, ngòi bút viết về võ của ông đôi khi cũng gặp những thử thách ghê gớm, đôi khi nguy hiểm đến cả tính mạng. Sau loạt bài “Xảo thuật trong võ thuật”, “Sơn Đông mãi võ” và đỉnh điểm là “Thái cực quyền ở thành phố ta” vào năm 1993 trên tạp chí Sổ tay Võ thuật, ông nhận liên tục điện thoại của nhiều người yêu cầu ngừng đăng và đính chính theo ý họ, nếu không họ sẽ không bảo đảm mạng sống của “ông Phương Tấn”. Sau khoảng 10 ngày họ tuyên bố sẽ thanh toán “ông Phương Tấn” trong 24 giờ. Tất cả đều lo cho ông và đề nghị ông phải làm thế này, thế nọ kể cả việc đính chính theo ý họ. Ông đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn không thấy bài viết có điểm gì cần đính chính. Chính vì thế, ông thẳng thắn gặp mặt các võ sư được đề cập trong bài viết để đối chất. Mọi việc được sáng tỏ sau đó và ông lại có thêm được nhiều mối quan hệ thâm giao.
Sách võ để cho đời
Tôi quen Phương Tấn với tư cách là một nhà báo phỏng vấn một cây đại thụ trong làng võ năm 2008. Hai chú cháu vẫn thường xuyên liên lạc và tôi vẫn hay lui tới nhà ông nằm trong một hẻm nhỏ tại TP.HCM. Bẵng đi một thời gian không tin tức gì, bỗng nghe người trong làng võ kháo nhau: “Dạo này ông Phương Tấn đóng cửa luyện công”. Mà quả thật, Phương Tấn đóng cửa im ỉm, ít ra đường và tiếp xúc bạn bè, anh em và điện thoại luôn trong tình trạng “ngoài vùng phủ sóng”. Đầu năm 2011 gặp ông tại nhà, miệng nói nhưng mắt cứ đăm chiêu tận đâu đâu. Hỏi ra, ông mới nói thật: “Hiện chú đang dồn hết tâm sức để viết một cuốn sách võ. Đây là ước nguyện cuối cùng và cũng là để cho người học võ Việt trong và ngoài nước có cái nhìn xác thực nhất về niềm đam mê mà mình đang theo đuổi”.
Bìa sách “Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới” Đêm 30-7-2012, tới nhà Phương Tấn thì thấy ông đang hì hục với một... đống sách mới toanh còn thơm phức mùi mực. Đấy, tâm nguyện cuối cùng của Phương Tấn là đấy! Thuận lợi của Phương Tấn còn ở chỗ ông có một người vợ hiền làm hậu phương vững chắc. Để xuất bản 2.000 cuốn “Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới” đầu tiên, 2 vợ chồng phải chạy vạy đủ nguồn, nhờ vả rất nhiều anh em mới đưa sách đến tay người đọc được.
Cuốn sách “Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới” của Phương Tấn do NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành, dày 310 trang, in màu, tràn ngập hình ảnh, tư liệu quý, khổ 20x29cm, một số bài viết được chuyển ngữ sang tiếng Anh và Pháp, vừa được phát hành toàn quốc và một số nước trên thế giới. Sách gồm 6 phần 4 chương. Phần một nói về các tổ chức truyền bá võ Việt ở nước ngoài, các môn phái xây dựng võ Việt ở xứ người, võ Việt trong nước lan tỏa khắp năm châu, võ Việt - Võ Tàu & Viện Nghiên cứu Võ học. Phần hai nói về Vovinam - Việt Võ Đạo. Phần ba giới thiệu 14 người mở đường đưa võ Việt ra thế giới. Phần bốn dành cho một số bài viết của tác giả trên lộ trình rong ruổi nhiều nơi trên thế giới. Phần năm dành cho phụ lục nói về báo chí, website đưa võ Việt ra thế giới...
Sách ra, đã gây nhiều chú ý cho dư luận, đặc biệt là dân tập võ. Khen nhiều lắm! Nhưng Phương Tấn vẫn day dứt vì chưa thực hiện trọn vẹn được mục đích của mình bởi vì chuyện thiếu tiền cho sách. Ông tâm sự: “Sự mơ ước và tâm nguyện của tôi về võ Việt, gần như tôi đã trút hết vào cuốn sách này. Tôi nói “gần như” vì tôi mới thực hiện được khoảng 70%. 30% còn lại do tiền in không đủ, tôi đành gác lại một chương viết về các bậc đại thụ của làng võ Việt trong nước, đồng thời điểm qua các võ sư người Việt thành công ở những môn võ khác ngoài võ Việt ở nước ngoài. Hy vọng sau này tôi sẽ có cơ hội tái bản bổ sung”.
Từ một anh phóng viên tập sự bỏ miền Trung nắng gắt gia nhập làng báo Sài Gòn trước 1975 rồi bén duyên với võ thuật tới tận bây giờ, Phương Tấn đã trở thành “người đưa đò” cho hàng ngàn võ sư và võ sinh trong nước ra nước ngoài cũng như năm châu về Việt Nam giao lưu, học hỏi võ Việt. Nhưng với cuốn sách “Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới”, ông không chỉ là “người đưa đò” suốt hơn nửa cuộc đời gắn với võ Việt, với thời đại mà ông đang sống. Xa hơn thế, ông đã chuyển tải biết bao kiến thức, tâm huyết, cái hay, cái dở của võ Việt vào sách cho thế hệ mai sau. Giá trị lớn lao của sách, của Phương Tấn là ở chỗ đó!
Bình Dương có nhiều điều kiện thực hiện liên hoan võ cổ truyền
Tôi đã gắn bó với Bình Dương qua Hội Văn học Nghệ thuật từ năm 1987. Đến năm 2001, tôi có mặt tại Đại hội Võ thuật Cổ truyền tỉnh Bình Dương lần thứ I. Và năm 2007, ngay sau khi ra mắt BCH Liên đoàn Võ thuật tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Thanh Đoàn - PCT Liên đoàn - đã trao đổi cùng tôi về việc mời các đoàn võ thuật nước ngoài về giao lưu với võ thuật tỉnh Bình Dương tạo tiền đề cho việc tổ chức Festival võ thuật quốc tế tại tỉnh Bình Dương. Qua 4 lần Festival Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam và 3 lần Festival Võ thuật Quốc tế Hồng Bàng, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Dương đều cử võ đường Thiếu Lâm Long Phi tham gia. Thiếu lâm Long Phi là một môn phái phát triển mạnh, có uy tín không những trong tỉnh Bình Dương mà còn lan rộng trong và ngoài nước. Qua các tiết mục biểu diễn trong các kỳ fes¬tival của Thiếu Lâm Long Phi đã được đông đảo người hâm mộ võ thuật trong và ngoài nước đánh giá cao, nhận được nhiều bằng khen của Ban tổ chức và đặc biệt, các tiết mục xuất sắc của Thiếu Lâm Long Phi được chọn vào vòng chung kết và công diễn trong lễ bế mạc. Bình Dương tuy mới phát triển sau nhưng có các điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi để đăng cai tổ chức liên hoan võ cổ truyền quốc tế.
LÝ KHÁNH VINH