Người đặt “viên gạch” đầu tiên cho nghệ thuật khiêu vũ Bình Dương

Thứ năm, ngày 04/12/2014

Có những người thầy không dạy chữ nhưng vẫn xứng đáng được tôn vinh bởi sự tận tụy của họ cho người học và những đóng góp của họ đối với xã hội. Đó là vũ sư Nguyễn Quốc Thắng (52 tuổi), là một trong những người đầu tiên khơi dậy phong trào khiêu vũ ở Bình Dương.

Sinh ra trong gia đình 3 đời làm võ sư nhưng Nguyễn Quốc Thắng lại bén duyên với khiêu vũ và trở thành vũ sư. Năm 12 tuổi, dù không được học hành bài bản nhưng anh đã tỏ rõ được khả năng nghệ thuật của mình và quyết tâm theo đuổi niềm đam mê từ đó. Qua quá trình học tập bền bỉ dưới sự chỉ dạy của những vũ sư có uy tín tại các CLB, đến năm 1989 anh chính thức trở thành vũ sư. Không bao giờ hài lòng với bản thân mình, anh luôn cố gắng học hỏi, tham gia thêm các khóa bồi dưỡng nâng cao tại nước ngoài. Năm 2007, anh vinh dự được kết nạp là thành viên của Liên đoàn Khiêu vũ thể thao Quốc tế (IDSF).

Dù được đánh giá cao về chuyên môn nhưng Quốc Thắng không lựa chọn con đường biểu diễn chuyên nghiệp mà anh dành phần lớn cho sự nghiệp bồi dưỡng, ươm mầm các tài năng. Năm 2004, nhận lời mời của Trung tâm Văn hóa tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh), anh về làm Chủ nhiệm CLB Khiêu vũ quốc tế. “Dạy khiêu vũ không phải là công việc dễ bởi nó là môn học đặc biệt, người dạy không những nắm vững chuyên môn mà còn phải có phương pháp dạy và luôn luôn đổi mới, sáng tạo”, anh Thắng cho biết. Tính đến nay, không biết anh đã đào tạo biết bao thế hệ học trò. Học trò của anh nhiều người đã trở thành các HLV, có người trở thành vũ công, chưa kể có rất nhiều học viên nhí là hạt nhân cho các phong trào văn nghệ trong và ngoài tỉnh.

Thành công của anh không phải là số lượng học trò đào tạo được mà chính ở chỗ anh đã truyền “lửa” đam mê cho rất nhiều thế hệ. Và đáng ghi nhận hơn, anh đã góp phần thay đổi nhận thức của nhiều người về môn nghệ thuật này, từ đó tạo cho phong trào khiêu vũ có bước phát triển mới, điều mà không phải vũ sư nào cũng làm được

HỒNG THỦY