Người dân tự nguyện giao nộp động vật quý hiếm

Thứ tư, ngày 30/03/2022

(BDO) Thời gian qua, các ngành chức năng đã có nhiều cách làm hiệu quả trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD), nhất là chấm dứt tình trạng nuôi nhốt động vật quý hiếm phục vụ cho mục đích thương mại. Qua đó nhiều người dân, doanh nghiệp đã tự nguyện giao nộp động vật quý hiếm cho cơ quan chức năng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.


Lực lượng chức năng tiến hành gây mê gấu ngựa do người dân giao nộp trước khi chuyển đến trung tâm cứu hộ, chăm sóc

Tuyên truyền để chấm dứt việc nuôi nhốt gấu

Nhằm quản lý, bảo vệ tính đa dạng sinh học các loài vật rừng tự nhiên, quý hiếm, Chi cục Kiểm lâm (CCKL) tỉnh chủ động phối hợp với lực lượng công an các địa phương và lực lượng chức năng khác tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, kinh doanh trái phép ĐVHD và sản phẩm của chúng trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật. Song song đó, CCKL tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ công chức, viên chức và người lao động chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo tồn ĐVHD.

Nhờ thực hiện có hiệu quả các biện pháp trên mà ý thức bảo vệ ĐVHD trong nhân dân ngày càng nâng cao, đặc biệt một số người dân còn tự nguyện giao nộp ĐVHD. Trong đó phải kể đến việc các tổ chức, cá nhân tự nguyện bàn giao cá thể gấu cho cơ quan chuyên môn chăm sóc, cứu hộ. Từ năm 2019 đến nay, CCKL tỉnh đã tiếp nhận, bàn giao 27 cá thể gấu ngựa do người dân, doanh nghiệp giao nộp cho Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình thuộc Trung tâm Bảo tồn ĐVHD Nước Việt.

Mới đây vào tháng 2-2022, CCKL tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp nhận 9 cá thể gấu ngựa do chủ cơ sở nuôi gấu tự nguyện chuyển giao cho cơ quan chức năng để thả về môi trường sống tự nhiên trong Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình. Bà Trần Thị Mỹ, Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng CCKL tỉnh, cho biết trong hoạt động cứu hộ gấu lần này, 3/9 cá thể gấu được chuyển giao từ một vườn thú tư nhân. 4 cá thể gấu được chuyển giao từ một cơ sở chung nhiều chủ nuôi và 2 cá thể còn lại đến từ một cơ sở tư nhân khác. Các chủ gấu đã bày tỏ nguyện vọng chuyển giao gấu trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 11-2021. Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên hoạt động chuyển giao gấu cho cơ quan chăm sóc, cứu hộ trìhoãn đến tháng 2-2022 mới được thực hiện. “Việc các cơ sở nuôi gấu tự nguyện chuyển giao gấu cho cơ quan Nhà nước để chăm sóc, cứu hộ, qua đó giúp chúng phục hồi tập tính tự nhiên và được hưởng cuộc sống phù hợp sau nhiều năm bị nuôi nhốt trong không gian chật hẹp, góp phần chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu và bảo vệ quần thể gấu ngoài tự nhiên”, bà Mỹ cho hay.

Trong khi đó Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đánh giá cao tinh thần tự nguyện của chủ sở hữu những cá thể gấu và cho rằng đây chính là động lực để đặt dấu chấm hết cho ngành công nghiệp nuôi nhốt gấu đã lỗi thời này. Bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc ENV, khẳng định sự kiện chuyển giao 9 cá thể gấu đánh dấu một bước tiến mới của tỉnh Bình Dương trên chặng đường từ một trong những “điểm nóng” về nuôi nhốt gấu tại Việt Nam thành địa phương đạt nhiều thành tựu trong nỗ lực chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu. “Thành công tại Bình Dương là điển hình cho sự hợp tác và quyết tâm của các cơ quan chức năng, trung tâm cứu hộ, chăm sóc ĐVHD và chủ nuôi gấu nhằm tạo điều kiện cho loài vật này có môi trường sống tốt hơn”, bà Quyên nói.

Doanh nghiệp tự nguyện giao nộp “chúa sơn lâm”

Cũng nhờ làm tốt công tốt phối hợp tuyên truyền mà một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã tự nguyện giao nộp “chúa sơn lâm” cho cơ quan quản lý nhà nước để có biện pháp chăm sóc phù hợp. Cụ thể CCKL tỉnh đã phối hợp với đơn vị chuyên môn chuyển giao thành công 4 cá thể hổ và 1 xác hổ do doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh (TP.Thuận An) tự nguyện giao nộp cho Thảo Cầm Viên Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh). Đến nay, 4 cá thể hổ có sức khỏe bình thường, thích nghi với môi trường mới và có chiều hướng phát triển tốt. Riêng xác hổ trong giai đoạn phân hủy, Thảo Cầm Viên đã tiến hành xử lý theo quy định, phần xương hổ sẽ được phục dựng làm mẫu tiêu bản, phục vụ cho công tác giáo dục và nghiên cứu khoa học.

Theo bà Mỹ, đối với các trại nuôi thí điểm hổ được Thủ tướng Chính phủ cấp phép thì hổ không chỉ là ĐVHD quý hiếm mà còn là tài sản có giá trị rất lớn. Do đó việc tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tự nguyện bàn giao hổ cho cơ quan Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cùng các ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, thuyết phục mà doanh nghiệp đã thấy được việc nuôi nhốt hổ không còn phù hợp trong tình hình hiện nay. Từ đó, doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh tự nguyện giao nộp 4 cá thể hổ và 1 xác hổ cho cơ quan chức năng. Như vậy tính đến ngày 23-2, doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh không còn nuôi bất kỳ ĐVHD nào.

Ngoài trại nuôi thí điểm hổ của doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh, trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn 2 cơ sở nuôi thí điểm hổ với số lượng 40 cá thể. “Thời gian tới, CCKL tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi nhốt ĐVHD, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ gấu, hổ. Đồng thời đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền cho cơ sở nuôi nhốt ĐVHD sớm tự nguyện chuyển giao gấu, hổ cho trung tâm cứu hộ, để chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu, hổ trên địa bàn tỉnh”, bà Mỹ cho biết thêm.

Năm 2021, CCKL tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng đã lập thủ tục tiếp nhận 73 cá thể ĐVHD, trong đó có nhiều cá thể thuộc loại nguy cấp, quý hiếm như mèo rừng, tê tê, voọc chà vá chân đen… Đến nay, CCKL tỉnh đã phối hợp cơ quan chuyên môn tái thả 51 cá thể rùa, 10 cá thể khỉ, 3 cá thể trăn đất, 2 cá thể mèo rừng và 2 cá thể kỳ đà vân về môi trường tự nhiên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

NGUYỄN HẬU