Người dân Thủ đô lần đầu trải nghiệm đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông
(BDO)
Các đại biểu tham gia lễ bàn giao đi chuyến tàu đầu tiên sau khi khai thác vận hành thương mại. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Sáng 6/11, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức lễ bàn giao, tiếp nhận dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông.
Chứng kiến lễ ký kết bàn giao có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Ngay sau lễ bàn giao, vào 9 giờ cùng ngày, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) đã mở cửa đón nhân dân vào tham quan và trải nghiệm đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.
Có mặt trực tiếp trên chuyến tàu khai thác đầu tiên, phóng viên ghi nhận cảm giác háo hức của nhiều người dân Thủ đô trong ngày này. Bắt đầu từ 7 giờ sáng, rất đông người dân đã có mặt tại nhà ga Cát Linh để chung vui và hào hứng được trải nghiệm những chuyến tàu đầu tiên của dự án này.
Nhiều hành khách sau đi trải nghiệm đều có chung cảm nhận là phấn khởi vì lần đầu tiên Việt Nam và cũng là lần đầu tiên thủ đô Hà Nội đưa vào khai thác phương tiện công cộng có sức chứa lớn.
Bác Đặng Văn Hòa, nhà ở Hoàn Kiếm, chia sẻ bác đã đợi từ sáng sớm để được lên tàu đi trải nghiệm trong ngày đầu tiên khai thác. Bác cho biết khá vui khi là một trong những người dân được đi những chuyến tàu đầu tiên này.
Cũng theo bác Hòa, bác đã đi nhiều tàu tại các nước hiện đại và rất vui khi Hà Nội đã vận hành thương mại tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Bác hy vọng nhà nước sẽ đầu tư nhiều tuyến đường sắt đô thị để tạo thuận lợi cho người dân.
Có mặt từ 6 giờ 30 sáng tại ga Cát Linh, chị Bùi Thị Luyến (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết sau khi đi lượt đi và lượt về chị Luyến cảm nhận là tàu rất hiện đại không thua kém gì những tàu mà chị đã đi bên nước ngoài. Chị Luyến cho biết sẽ thường xuyên đi tuyến này vì thuận lợi, không sợ tắc đường.
Còn theo anh Phạm Quang Huấn (Hà Đông) chia sẻ: “Tôi mua nhà ở Hà Đông nhưng làm tại Giảng Võ. Cách đây 5 năm tôi mua nhà ở đây cũng để chờ đợi dự án này đi vào hoạt động. Hôm nay dự án đã được khai thác tôi sẽ không còn lo lắng mỗi lần di chuyển từ nhà đến cơ quan trên tuyến đường Giải phóng hay tắc nghẽn hàng ngày.”
Bác Trương Văn Điệp, nhà ngay cạnh ga Cát Linh chia sẻ: “Nhà tôi ở ngay cạnh dự án nên rất kỳ vọng dự án được đưa vào sử dụng sớm. Trải qua nhiều khó khăn, đến nay dự án đã được khai thác tôi rất vui. Tôi từng đi tàu điện tại nhiều nước, tôi thấy tàu Cát Linh-Hà Đông chạy khá êm.”
Cháu Nguyễn Văn Hùng, ngụ ở phường Cống Vị (Ba Đình) cho biết cháu có mặt tại ga Cát Linh từ sáng sớm và thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 như đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn.
Cháu Hùng cho biết đã đi tàu hỏa nhiều rồi nhưng chưa bao giờ được đi tàu điện, nên rất háo hức muốn trải nghiệm một lần xem sao… Nếu thuận tiện và an toàn cháu sẽ đi học bằng tàu điện thay vì đi xe cá nhân.
Những hành khách đầu tiên trải nghiệm đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Như vậy, sau 10 năm thi công, nhiều lần lỡ hẹn đưa vào khai thác, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam cũng như Hà Nội chính thức đưa vào vận hành.
Để có thể lên tàu trải nghiệm, hành khách lên tầng 2 của 12 ga trên dọc tuyến, lấy thẻ từ ở quầy vé để vận hành hệ thống kiểm soát, như mở cửa kiểm soát ra vào, cửa lên tàu, khai báo thông tin điện tử.
Theo đại diện Metro Hà Nội, đơn vị đã chuẩn bị hơn 200.000 vé 0 đồng (thẻ từ cứng) để phát cho hành khách trải nghiệm tàu trong 15 ngày đầu vận hành. Sau khi kết thúc hành trình, hành khách trả lại vé này cho đơn vị vận hành ở cửa ra.
Sau khi kết thúc thời gian chạy thử, giá vé được Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt là 7.000/lượt (giá mở cửa), theo chặng là 8.000-15.000/lượt. Giá vé ngày là 30.000/ngày.
Vé cũng được bán theo tháng (không định danh 200.000/người, có định danh là 100.000/người). Những đối tượng được miễn phí đi xe buýt cũng sẽ được miễn phí khi đi tàu.
Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, ưu việt của đường sắt đô thị là phương tiện vận chuyển lớn, tốc độ cao. So với các phương tiện chở khách khác đi từ Cát Linh tới Hà Đông hết 45 phút thì đường sắt đô thị chỉ hơn 20 phút, điều này có ý nghĩa rất lớn cho giao thông đô thị Thủ đô. Đây là tuyến đường sắt xuyên tâm và vô cùng quan trọng, tương lai sẽ kết nối với Xuân Mai.
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 10/2011. Tổng mức đầu tư dự án hơn 18.000 tỷ đồng, vay vốn ODA Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam-Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.
Tổng thầu EPC thi công dự án là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, tư vấn giám sát thi công là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông có chiều dài 13,05km, đi trên cao, với 12 nhà ga gồm: ga Cát Linh, ga La Thành, ga Thái Hà, ga Láng, ga Đại học Quốc gia, ga Vành đai 3, ga Thanh Xuân 3, ga bến xe Hà Đông, ga Hà Đông, ga La Khê, ga Văn Khê và ga bến xe Yên Nghĩa./.
Theo TTXVN