Người dân thoát nghèo nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả

Thứ ba, ngày 22/11/2011

Trong những năm qua, có hàng ngàn hộ nông dân ở Bình Dương đã thoát nghèo, làm được nhà ở, con cái được học hành và nhiều hộ vươn lên làm giàu nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

 Giúp dân thoát nghèo

Được NHCSXH huyện Tân Uyên cho vay vốn để nuôi bò vào năm 2000, 5 năm, đàn bò của gia đình ông Phạm Minh Cư (tổ 4, ấp Bình Cơ, xã Bình Mỹ, huyện Tân Uyên) đã có 13 con. Không chỉ hoàn lại vốn vay nhanh, ông còn mua giống trồng 1 ha cao su trên diện tích đất của gia đình. Ông Cư tâm sự: “Trước đây, quanh năm gia đình tôi chỉ trông vào 5 sào đất trồng hoa màu mà phải lo cái ăn, cái mặc cho 3 đứa con đến trường, nên gia đình tôi túng thiếu tứ bề. Cuộc sống tưởng chừng không có lối thoát thì đầu năm 2000, được Hội Nông dân (ND) và Hội Phụ nữ xã hướng dẫn, vợ chồng tôi vay 10 triệu đồng của NHCSXH. Chúng tôi dành 2 triệu đồng sửa sang chuồng trại và mua 1 con bê về nuôi. Sau 5 năm, gia đình tôi bán được 11 con để hoàn lại vốn NH. Còn lại 2 con chúng tôi tiếp tục nhân giống”. Tính từ năm 2005 đến nay, gia đình ông đã bán được 15 con bò, với số tiền hơn 100 triệu đồng. Hiện nay, gia đình ông còn lại 4 con bò giống, trị giá 50 triệu đồng. 

Ông Phạm Minh Cư (xã Bình Mỹ, Tân Uyên) sử dụng vốn vay để nuôi bò đạt hiệu quả cao

Ông Kim Vàm ở khu phố Tân Phước, phường Tân Bình, TX.Dĩ An đã nhiều năm lăn lộn làm thuê từ Nam ra Bắc mà cuộc sống vẫn khó khăn. Nhưng cũng từ những chuyến đi đó, ông học hỏi được kinh nghiệm nuôi bò. Năm 2005, ông quyết định về quê làm ăn. Được NHCSXH huyện cho vay 10 triệu đồng, ông đầu tư mua bò. Hiện nay, không chỉ hoàn vốn lại cho NH, gia đình ông còn nuôi các con học cao, xây dựng được căn nhà kiên cố. Từ sự cần mẫn, tiết kiệm, sử dụng vốn vay hiệu quả, gia đình ông Kim Vàm đã được Hội ND phường đánh giá cao tinh thần vượt khó vươn lên thoát nghèo.

Gia đình bà Lý Thị Kim (ấp 3, xã Lạc An, huyện Tân Uyên), không sử dụng vốn vay để nuôi bò mà chuyển sang làm bánh bánh chưng, bánh tét, bánh ú, bánh ít... theo đơn đặt hàng của các tiệm bánh trong và ngoài địa bàn xã. Từ vốn vay 10 triệu đồng cộng với kinh nghiệm làm bánh gia truyền, gia đình bà vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, năm 2011, gia đình bà được Hội ND xã tuyên dương nông dân sản xuất giỏi. Các con chăm ngoan, học giỏi và giữ chức vụ cao tại các công ty, doanh nghiệp.

Gia đình ông Cư, ông Kim Vàm, bà Kim chỉ là 3 trong số hàng ngàn hộ ND trong tỉnh Bình Dương thoát nghèo, có cuộc sống ổn định từ đồng vốn vay ưu đãi.

Vốn vay đến đúng đối tượng

Ông Nguyễn Văn Yêm, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Bình (TX.Dĩ An), cho biết: “Hiện nay tỉnh Bình Dương vẫn còn nhiều hộ nghèo, vì vậy nhu cầu vay vốn ưu đãi rất lớn, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình nghèo vay vốn làm ăn. Thời gian qua, người dân khó khăn trong phường nói riêng và người dân trong tỉnh nói chung đã được NHCSXH cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Điều đó có ý nghĩa rất lớn, thiết thực, giúp người dân và địa phương thoát nghèo”.

Chủ tịch Hội ND xã An Lập (huyện Dầu Tiếng) Nguyễn Văn Sang, chia sẻ, có thể nói trong thời gian qua, hoạt động cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của NHCSXH tại địa phương đã mang lại hiệu quả rất lớn về kinh tế - xã hội, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm tại địa phương. Bên cạnh việc phối hợp cho người dân vay vốn, Hội ND xã cũng đã tổ chức nhiều buổi giới thiệu các mô hình hay, hiệu quả, hướng dẫn kỹ thuật trồng - chăm sóc cây trồng, vật nuôi để người dân định hướng phát triển kinh tế gia đình. Do đó, nhiều năm qua, xã An Lập được đánh giá cao trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Theo đánh giá của NHCSXH, bên cạnh những kết quả đã đạt được, NH vẫn còn có nhiều khó khăn đòi hỏi toàn thể cán bộ, nhân viên chi nhánh phải nỗ lực không ngừng. Để nguồn vốn vay tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới NH sẽ tiếp tục tổ chức cho vay và giải ngân tốt tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo tiêu chí mới, đúng đối tượng được vay; triển khai tốt hoạt động của các tổ giao dịch lưu động ở các xã, huyện, thị bảo đảm cho vay, thu nợ, giải ngân tới tận xã, phường, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng nhất vốn tín dụng ưu đãi tới người nghèo; đồng thời nâng mức cho vay để bà con có đủ vốn để phát triển sản xuất.

TỐ TÂM