Người dân phải thật sự là chủ thể trong phòng, chống dịch COVID-19
(BDO)
Người dân được cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Ngày 13/9, Văn phòng Chính phủ có Thông báo 241/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra trong sáng 11/9.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; sự tham gia của các Tổ (chống) COVID cộng đồng; sự hưởng ứng, chia sẻ và tham gia của các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội. Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ sự mất mát về người, về sức khỏe, của cải của nhân dân, thiệt hại của các doanh nghiệp do dịch bệnh.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đặc biệt ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực vượt bậc của các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, nhất là lực lượng y tế, quân đội, công an, Tổ (chống) COVID cộng đồng, các lực lượng truyền thông.
Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia hoan nghênh các Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch các cấp đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, phân công nhiệm vụ các thành viên, ban hành quy chế làm việc và triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động được phân công và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Các bộ, ngành đã thực hiện nghiêm túc các quy chế làm việc, nhất là khi phân công thay thế thành viên Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ tại phía Nam đã kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo điều hành được liên tục, thông suốt.
Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia biểu dương Tổ “ngoại giao vaccine” đã chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tích cực vận động, tổ chức đàm phán, triển khai có hiệu quả các giải pháp ngoại giao nhằm tăng số lượng vaccine về Việt Nam.
8 địa phương kiểm soát dịch tốt
Công tác phòng, chống dịch kể từ khi kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia đã có những kết quả tích cực. Tại một số địa phương vốn có số mắc cao trong cộng đồng thì nay tỷ lệ mắc mới đã giảm so với tuần trước (Đà Nẵng giảm 60%, Bình Dương giảm 26,5%, Long An giảm 3%); đặc biệt, số ca tử vong trung bình theo ngày trên toàn quốc giảm 30%.
Đến nay, có 8 trong số 23 địa phương là điểm nóng đã kiểm soát dịch tốt (Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Phú Yên, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau); có 12 địa phương đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch (Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu).
Thủ tướng Chính phủ biểu dương Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời lưu ý Kiên Giang, Tiền Giang cần nỗ lực, cố gắng hơn nữa, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các công điện của Thủ tướng Chính phủ để kiểm soát tình hình dịch bệnh trong thời gian nhanh nhất, sớm nhất.
Người dân Bạc Liêu thực hiện khai báo y tế tại các chốt kiểm soát dịch. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)
Những chuyển biến đạt được trong những ngày qua tiếp tục khẳng định việc kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban Chỉ đạo, Trung tâm chỉ huy các cấp phù hợp với tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch đề ra là đúng đắn, kịp thời, nhất là: sự chỉ đạo thống nhất, quyết liệt của Ban Chỉ đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự kết hợp giữa tập trung, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo với phân công, phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát trong tổ chức thực hiện đến tận cấp cơ sở; chuyển hướng quan điểm chỉ đạo lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”; người dân là “chiến sỹ,” là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân; triển khai đồng bộ có hiệu quả các biện pháp y tế từ công tác xét nghiệm, điều trị giảm tử vong, tiêm vaccine, nhất là việc bảo đảm tiếp cận y tế của người dân từ sớm, từ xa và ngay từ cơ sở; bảo đảm lương thực thực phẩm cho người dân, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc; bảo đảm an dân, an ninh, an toàn, trật tự xã hội; tuyên truyền, vận động và huy động mọi người dân tham gia công tác phòng, chống dịch, đưa ra thông điệp truyền thông ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu để người dân tự giác, chủ động tham gia công tác phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế: một số xã, phường, thị trấn chưa quán triệt quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, nhất là việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở; việc giãn cách có nơi, có lúc ở các địa phương chưa rõ mục tiêu, chưa thực hiện triệt để, hiệu quả thấp; một số địa phương chưa có kế hoạch bảo đảm an toàn cụ thể, khả thi đã nóng vội trong việc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch và yêu cầu giãn cách khi chưa thật sự kiểm soát được dịch bệnh, chưa đạt được độ bao phủ vaccine cần thiết.
Một số địa phương tốc độ xét nghiệm để phát hiện nguồn lây (F0) chậm hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh nên hiệu quả xét nghiệm thấp; một số biện pháp thay đổi chuẩn bị chưa được kỹ lưỡng, thay đổi nhanh, thiếu nhất quán, chưa đánh giá tác động và chưa chuẩn bị truyền thông tốt nên gây bức xúc trong xã hội, nhất là quy định việc đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa, tạo ra ách tắc cục bộ, chậm được tháo gỡ; chưa sử dụng triệt để và thống nhất các giải pháp công nghệ, gây bất tiện cho người dân, tạo ra sự tập trung đông người vi phạm quy định phòng, chống dịch; kiểm soát phòng, chống dịch, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chống dịch ở một số nơi chưa tốt, chưa đạt yêu cầu đề ra; còn tình trạng chủ quan, lơ là để lây nhiễm từ nơi có ổ dịch, trong khu cách ly, điều trị ra ngoài cộng đồng; công tác kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền chưa được coi trọng ở một số bộ, ngành, địa phương.
Trong thời gian tới cần tập trung: có các giải pháp giảm số tử vong là ưu tiên hàng đầu; phải thực hiện mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế trong thời gian thực hiện giãn cách và tăng cường thực hiện giãn cách xã hội; thống nhất trong nhận thức, phương thức hoạt động và tổ chức thực hiện, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, phát huy tính sáng tạo ở mỗi địa phương; quán triệt tinh thần không có người dân nào an toàn nếu vẫn còn người dân khác nhiễm bệnh; không có địa phương nào an toàn nếu vẫn còn địa phương khác phải chống dịch để luôn luôn đề cao cảnh giác và có biện pháp thích ứng phù hợp.
Hết sức tránh 2 khuynh hướng
Về giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Nâng cao vai trò nêu gương, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch đặc biệt tại cấp cơ sở.
Tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện, kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch; đồng thời biểu dương, khen thưởng các cấp, tập thể, cá nhân có các mô hình hay, cách làm tốt trong phòng, chống dịch. Hết sức tránh 2 khuynh hướng: lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, say sưa với kết quả ban đầu sau thời gian dài thực hiện phòng, chống dịch; nóng vội, chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch.
Nâng cao hiệu quả của các cơ chế chính sách trong phòng, chống dịch. Cần phân tích kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, tổng thể trước khi ban hành chính sách để có tính khả thi và đạt được hiệu quả cao nhất, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại xã, phường, thị trấn; khi tổ chức thực hiện xã, phường, thị trấn phải thật sự là “pháo đài”; người dân phải thật sự là “chiến sỹ”; người dân phải thật sự là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.
Tuyên truyền vận động để nâng cao ý thức người dân về phòng ngừa dịch bệnh là rất quan trọng đó là làm sao để không lây nhiễm bệnh, thực hiện nghiêm Thông điệp 5K và tăng cường tiêm vaccine.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cần thực hiện có hiệu quả, phù hợp biện pháp xét nghiệm nhất là sau khi xét nghiệm thần tốc tại những nơi có nguy cơ, nguy cơ cao và rất cao, cần nhanh chóng xác định nguồn lây, tập trung bao vây, dập dịch; phân loại ca nhiễm để thu dung, chăm sóc, điều trị kịp thời, phù hợp, hiệu quả, không để phong tỏa kéo dài trên phạm vi rộng; phong tỏa, cách ly ở phạm vi hẹp nhất có thể.
Chú trọng xét nghiệm và tiêm vaccine kịp thời, an toàn, hiệu quả nhưng phải chú ý bảo đảm cự ly giãn cách theo quy định. Cần tổ chức đánh giá hiệu quả của mô hình chăm sóc, điều trị F0 tại nhà để phổ biến trên diện rộng.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội; rà soát và đánh giá việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP; tiếp tục vận động, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đóng góp cho công tác chăm lo an sinh xã hội. Đồng thời, triển khai tốt nhiệm vụ năm học mới, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương; phát động và triển khai hiệu quả chương trình “Sóng và máy tính cho em.”
Bảo đảm an dân, an ninh, an toàn, trật tự xã hội, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và các địa bàn khu công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Truyền thông để "Dân biết-Dân hiểu-Dân tin-Dân theo-Dân làm"
Thực hiện các biện pháp truyền thông với mục tiêu “Dân biết-Dân hiểu - Dân tin-Dân theo-Dân làm.” Đẩy mạnh truyền thông lấy phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; chống dịch phải quyết liệt, dứt điểm, hiệu quả. Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch; một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch, chưa kể mất mát về con người và tổn thất khác.
Công tác truyền thông đã có những sáng tạo, chuyên nghiệp hơn, kịp thời cung cấp thông tin chính thức, sát thực tế, góp phần thực hiện, cổ vũ các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
Phóng viên đang tác nghiệp. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các Đài Truyền hình, Phát thanh địa phương, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện thông tin đại chúng cần tăng dung lượng tin bài, thời lượng phát sóng với nội dung phổ biến kiến thức khoa học về phòng, chống dịch và hướng dẫn về phòng bệnh, điều trị bệnh cho người dân; tiếp tục sản xuất, công chiếu các phim ngắn về COVID-19 để truyền tải thông điệp phòng, chống dịch, các mô hình hay, cách làm tốt, điển hình tiên tiến.
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện biện pháp công nghệ phòng, chống dịch. Chính thức công bố và triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch COVID-19 (Sổ sức khỏe điện tử, Khai báo y tế, QR Code, Xét nghiệm, Tiêm chủng); nhanh chóng kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu hiện có để tạo thuận tiện cho người dân, chỉ cần dùng một app trong phòng, chống dịch và đặt tên đơn giản, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Tiếp tục triển khai 6 nhóm trọng tâm trong hoạt động dân vận để thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của nhân dân đến các cấp.
Xây dựng hướng dẫn triển khai các tiêu chí, điều kiện, biện pháp nới lỏng
Cùng với việc quyết liệt phòng, chống dịch, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, xuất phát từ thực tiễn để có các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện mục tiêu kép.
Đồng thời đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng việc triển khai mua sắm để phục vụ lợi ích nhóm, vụ lợi cá nhân, nhất là mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vaccine.... Các Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế làm việc để chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện, bảo đảm hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh; chủ trì, xây dựng hướng dẫn triển khai các tiêu chí, điều kiện, biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động theo nguyên tắc phải kiểm soát được dịch bệnh, bao phủ vaccine, ý thức chấp hành của người dân... và liên tục theo dõi, đánh giá để kịp thời điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình; hướng dẫn các giải pháp tăng cường hợp tác công-tư trong phòng chống dịch nhất là về chăm sóc, điều trị, cách ly và xét nghiệm; tập trung nghiên cứu đầu tư phát triển ngành công nghiệp dược; nâng cao năng lực hệ thống y tế, tổ chức bộ máy hợp lý ở các cấp để bảo đảm hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục chuẩn bị tốt công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong thời gian tới, trong đó sớm có vaccine cho trẻ em; đồng thời tiếp tục chủ động, tích cực trong việc đôn đốc các nhà sản xuất, cung ứng để bàn giao, tiếp nhận vaccine sớm nhất, nhiều nhất có thể và thực hiện phân bổ vaccine bảo đảm khoa học, công bằng, phù hợp; phối hợp với các địa phương hướng dẫn tiêm cho các đối tượng ưu tiên hợp lý, hiệu quả; kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng, xét nghiệm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý và phục vụ người dân.
Bộ Công an chủ trì bảo đảm an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội; khẩn trương triển khai xây dựng hệ thống định danh, xác thực điện tử theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4011/VPCP-KSTT ngày 16/6/2021 của Văn phòng Chính phủ; Nghị Quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ; nguồn vốn thực hiện sử dụng từ nguồn kinh phí tiết kiệm của Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân; xây dựng Nghị định về định danh, xác thực điện tử; trước mắt để có cơ sở pháp lý triển khai trên toàn quốc; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về định danh, xác thực điện tử; Quyết định về cung cấp dữ liệu cho cơ sở quốc gia về dân cư khi thực hiện kết nối chia sẻ; triển khai tốt, hiệu quả ứng dụng quản lý công dân vùng dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5320/VPCP-KSTT ngày 04/8/2021 của Văn phòng Chính phủ.
Các địa phương khi ban hành theo thẩm quyền các quy đinh về phòng, chống dịch, nhất là vấn đề đi lại của người dân, giao thông, lưu thông hàng hóa, cần cân nhắc kỹ lưỡng cách làm, thời điểm thực hiện, đánh giá tác động, chuẩn bị truyền thông... phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định chung và diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Trường hợp cần thiết thì báo cáo xin ý kiến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp trên trực tiếp.
Các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường hơn nữa tinh thần đoàn kết, thống nhất, cầu thị, khiêm tốn lắng nghe (kể cả ý kiến phản biện, trái chiều), phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, bảo đảm đồng thuận, thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có, huy động tối đa các nguồn lực, hợp tác công tư, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, linh hoạt để bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch./.
Theo TTXVN