Người dân nên thay đổi thói quen tự mua thuốc điều trị bệnh
(BDO) Thời gian qua, để bảo đảm hệ thống y, dược tư nhân trên địa bàn hoạt động hiệu quả, ngành y tế tỉnh Bình Dương đã có nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát, siết chặt quản lý để hệ thống y tế tư nhân phát triển theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên do thói quen tự mua, bán thuốc điều trị bệnh của người dân và không quan tâm đến phạm vi kinh doanh (KD) của cơ sở bán lẻ thuốc nên đã ảnh hưởng phần nào đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân.
Người dân nhận thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ảnh: T.VY
Thói quen nguy hại
Do thói quen của người dân khi thấy trong người không khỏe là tự ý đi mua thuốc về nhà tự điều trị bệnh. Tình trạng này khá phổ biến với bệnh thông thường như: cảm sốt, đau bụng, nhức đầu... Người dân không đến bệnh viện hoặc phòng khám để bác sĩ khám bệnh kê đơn mà tự đến các cửa hàng thuốc mua thuốc về uống. Lý do mà người dân đưa ra là bệnh nhẹ, đến cửa hàng thuốc gần nhà là tiện nhất, đến bệnh viện vừa mất thời gian đi lại, chờ đợi, đến phòng khám tư nhân thì giá khá cao.
Qua tìm hiểu, người dân khi đến cơ sở bán lẻ thuốc, hầu như không quan tâm đến loại hình cơ sở bán thuốc được bán thuốc trong danh mục thuốc thiết yếu, thuốc kê đơn hay không kê đơn; cơ sở chuyên bán dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền... Như trường hợp bà H. (TP.Thủ Dầu Một) bị hắt hơi, sổ mũi, người nhức mỏi, nhiệt độ trên 37,5 độ. Bà cho rằng bản thân bị cảm sốt, do đó, bà đã đến cơ sở thuốc gần nhà mua thuốc về uống. Trong khi đó, trước cơ sở bán thuốc này có niêm yết công khai giấy chứng nhận đủ điều kiện KD dược và có ghi rõ loại hình, phạm vi cơ sở KD nhưng hầu như bà không quan tâm mà chỉ mong hết bệnh.
Thực tế, trường hợp của bà H. là một trong rất nhiều trường hợp người dân tự ý mua thuốc tự điều trị bệnh khi thấy mình có bệnh và không quan tâm đến cơ sở bán thuốc Đông y hay Tây y. Người mua thuốc đã vậy, người bán thuốc cũng tùy tiện, không phải bác sĩ nhưng chỉ cần nghe người mua mô tả về triệu chứng bệnh là bán thuốc ngay. Tình trạng này diễn ra từ rất lâu, ngành y tế tỉnh cũng đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm. Hàng năm, ngành y tế cũng đã phối hợp với cơ quan truyền thông đại chúng, thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, khuyến cáo không mua thuốc tự điều trị bệnh tùy tiện để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân; người bán thuốc cần tuân thủ quy định của pháp luật, nêu cao y đức nghề nghiệp, không chạy theo lợi nhuận trước mắt mà làm ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Người dân cần phân biệt rõ phạm vi KD của cơ sở bán lẻ thuốc
Thực tế thời gian qua các cơ sở y tế, các đơn vị cung ứng thuốc đã và đang thực hiện nghiêm Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 23-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc và đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Bên cạnh những đơn vị thực hiện tốt (công khai, minh bạch giá bán thuốc, công khai danh tính những cơ sở vi phạm để người dân biết) vẫn còn những cơ sở bất chấp sức khỏe người dân, chạy theo lợi nhuận KD trái pháp luật.
Các cơ sở bán lẻ thuốc, bao gồm: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Người dân khi muốn mua thuốc, ngoài việc đến bác sĩ khám, kê đơn thì cũng cần phải đến đúng cơ sở bán thuốc theo phạm vi KD các loại thuốc mà mình muốn mua để tránh và hạn chế trường hợp mua và sử dụng thuốc không đúng làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Dưới đây là một số loại hình KD và phạm vi KD của các cơ sở bán lẻ thuốc mà người dân cần biết:
1. Cơ sở bán lẻ thuốc là nhà thuốc: Bán lẻ thuốc được bảo quản ở điều kiện thường, trừ vắc-xin; trường hợp mua, bán thuốc phải kiểm soát đặc biệt và thuốc thuộc danh mục thuốc hạn chế bán lẻ thực hiện theo quy định tại Điều 34 của Luật Dược số 105/2016/QH13.
2. Cơ sở bán lẻ thuốc là quầy thuốc: Mua và bán lẻ thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu và danh mục thuốc không kê đơn, trừ vắc-xin; trường hợp mua, bán thuốc phải kiểm soát đặc biệt và thuốc thuộc danh mục thuốc hạn chế bán lẻ thực hiện theo quy định tại Điều 34 của Luật Dược số 105/2016/QH13.
3. Cơ sở bán lẻ thuốc là tủ thuốc trạm y tế xã: Mua và bán lẻ thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu phù hợp với phân tuyến chuyên môn kỹ thuật; trường hợp mua, bán thuốc phải kiểm soát đặc biệt và thuốc thuộc danh mục thuốc hạn chế bán lẻ thực hiện theo quy định tại Điều 34 của Luật Dược số 105/2016/QH13.
4. Cơ sở bán lẻ thuốc là cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền: Bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; Mua dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền để bán lẻ.
Như vậy, cơ sở bán lẻ thuốc điều trị bệnh, cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật theo lĩnh vực hành nghề được quy định rõ trong giấy chứng nhận đủ điều kiện KD dược. Bán lẻ thuốc không đúng với loại hình đã đăng ký KD là hành vi bị nghiêm cấm và là hành vi cấp thiết phải được điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân và toàn xã hội.
Để bảo đảm quyền lợi và mua được thuốc có chất lượng cũng như được tư vấn sử dụng thuốc, đề nghị người dân khi mua thuốc lưu ý bảng hiệu của cơ sở bán lẻ KD mặt hàng thuốc gì để có lựa chọn phù hợp. Trường hợp phát hiện cơ sở bán lẻ không đúng loại hình đã đăng ký đề nghị người dân thông báo đến phòng y tế các địa phương để cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý theo các qui định hiện hành. Số điện thoại các Phòng Y tế huyện, thị, thành phố: - TP.Thủ Dầu Một: 02743831136 - TP.Thuận An: 0396875219 - TP.Dĩ An: 02743728933 - TX.Tân Uyên: 0918355898 - TX.Bến Cát: 02743559349 - Huyện Phú Giáo: 02743674250 - Huyện Bàu Bàng: 02743516056 - Huyện Bắc Tân Uyên: 0919005459 - Huyện Dầu Tiếng: 02743520405 Mỗi người dân hãy là một tuyên truyền viên tích cực, không tự mua thuốc điều trị bệnh, chỉ mua thuốc theo đơn của bác sĩ và đến đúng cơ sở bán thuốc với loại hình KD đã đăng ký và niêm yết tại cơ sở bán lẻ thuốc. |
DS. GIANG NHUNG (TTKSBT Tỉnh Bình Dương)