“Người dân nên mua thịt heo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng...”
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương xung quanh việc dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện ở một số địa phương trong nước, hàng trăm học sinh mầm non ở Bắc Ninh có kết luận dương tính với sán heo trong những ngày qua.
(BDO)
Một quầy bán thịt heo tại chợ Thủ Dầu Một. Ảnh: TIỂU MY
- Thưa ông, trước việc dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở một số địa phương trong nước và hàng trăm học sinh mầm non ở Bắc Ninh mới đây có kết luận dương tính với sán heo khiến nhiều người dân tỏ ra lo lắng. Xin ông thông tin rõ hơn về tác hại của hai bệnh này đối với sức khỏe con người?
- Theo các ngành chức năng khuyến cáo, bệnh dịch tả heo châu Phi không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, nếu đem bán thịt heo bị bệnh dịch này ra ngoài thị trường thì nó có ảnh hưởng đến vấn đề mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Bệnh sán gạo (hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải heo) phân bố ở nhiều nơi trên thế giới. Việc mắc bệnh này liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt heo chưa nấu chín. Đối với người, tùy thuộc ăn hay nuốt phải trứng hoặc là nang ấu trùng có thể mắc các thể bệnh khác nhau. Tuy nhiên, việc nhiễm giun sán nói chung và sán gạo nói riêng không phải là bệnh cấp tính và không quá nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Bệnh này mọi người hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách ăn chín, uống sôi.
Nếu người nào bị mắc bệnh sán gạo thì hoàn toàn có thể trị được bằng việc uống thuốc tẩy giun sán. Chỉ những trường hợp sán đi lạc chỗ như lên não, vào gan hoặc các cơ thì người mắc phải bệnh này mới cần điều trị nội trú theo phác đồ. Việc người bị bệnh điều trị nội trú hoàn toàn có thể loại trừ được sán. Tùy vào từng trường hợp bác sĩ sẽ đưa ra lộ trình điều trị hợp lý.
- Vậy chúng ta phải làm thế nào để hạn chế bệnh dịch tả heo châu Phi, sán heo qua thực phẩm, thưa ông?
- Để tránh mua phải thịt heo bệnh, mọi người nên mua thịt ở những địa chỉ uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cơ quan chức năng xác nhận. Người dân không nên vì giá rẻ mà chọn mua thịt heo tại những địa điểm bán không rõ nguồn gốc xuất xứ, nơi nhiều khói bụi, ruồi nhặng, không có biện pháp che chắn thịt...
Khi chọn mua thịt heo, bằng mắt thường người mua có thể nhận biết thịt bị nhiễm bệnh, như thịt heo có màu lạ như nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, phần bì lấm chấm xuất huyết; khi chạm tay vào miếng thịt thấy chảy nhớt, rỉ nước... thì thịt đã bị ôi hoặc thịt bị mắc bệnh. Thịt heo khỏe mạnh có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, da không có các đốm hay các vết khác thường; dùng ngón tay ấn vào thịt không bị lõm hay rỉ nước. Đối với heo bị nhiễm sán gạo, người mua có thể nhận biết bằng cách nhìn vào những cơ vận động nhiều của con heo như cơ gốc lưỡi, cơ đùi, nếu có sán sẽ có những hạt như gạo nếp (ấu trùng sán tập trung thành từng bọc).
Bên cạnh đó, để phòng bệnh dịch tả heo châu Phi, sán heo, mọi người phải tuân thủ ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh hay thịt chưa được chế biến kỹ. Khi chế biến thịt heo, mọi người cần rửa thịt bằng nước muối loãng trước khi nấu, rửa tay sạch trước và sau nấu ăn. Nấu xong nên ăn ngay, tránh để lâu tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Chúng ta không nên để thức ăn chín cạnh thức ăn sống, cạnh dụng cụ sơ chế. Các dụng cụ như dao, thớt cần được rửa sạch trước khi chế biến thực phẩm khác.
Hiện các ngành chức năng trong tỉnh đã và đang nỗ lực cao độ ngăn ngừa dịch tả heo châu Phi và bệnh sán gạo trên thị trường nên người dân không nên quá lo lắng về thịt nhiễm bệnh mà quay lưng với thịt heo.
- Trở lại vấn đề trẻ em bị dương tính với sán heo ở Bắc Ninh những ngày qua, xin ông cho biết việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại các bếp ăn học đường trên địa bàn tỉnh đã và đang được ngành chức năng, địa phương thực hiện như thế nào?
- Tôi có thể khẳng định rằng, việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại các bếp ăn học đường trên địa bàn tỉnh được thực hiện rất chặt chẽ, có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng. Hàng năm, sau khi Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức đấu thầu công khai, trong khâu lựa chọn nhà thầu sở đều lấy ý kiến của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh. Chúng tôi có ý kiến trên cơ sở xét duyệt điều kiện của nhà thầu và tính toán việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình vận chuyển.
Năm 2018, bếp ăn trường học đã được HĐND tỉnh chọn là lĩnh vực để giám sát chuyên đề. Kết quả, đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã đánh giá bếp ăn các trường học trên địa bàn tỉnh tuân thủ tốt các quy định liên quan. Bên cạnh đó, hàng năm chúng tôi đều phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức từ 6 - 8 lớp tập huấn cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng nội dung về nhận diện thực phẩm gây mất an toàn vệ sinh ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh cho các đối tượng là quản lý, cấp dưỡng, phụ trách công đoàn, các bếp ăn trường học, phụ huynh học sinh.
- Xin cảm ơn ông!
Bà Trần Thị Tám, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Thủ Dầu Một (TP.Thủ Dầu Một): Chúng tôi bán thịt có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm dịch
Thịt heo tôi bán tại quầy được nhập từ lò mổ uy tín, thịt đỏ tươi ngon nên khách hàng an tâm không bị bệnh dịch tả heo châu Phi. Nếu thịt bị nhiễm sán gạo thì người mua có thể kiểm tra bằng mắt thường là biết liền.
Chị Nguyễn Hoài An, ở phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một: Tôi mua thịt heo ở những nơi uy tín nên an tâm
Ban đầu khi mới nghe thông tin về bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại Việt Nam, rồi mới đây là bệnh sán heo ở Bắc Ninh tôi cũng khá lo. Nhưng sau khi được các chuyên gia, cơ quan chức năng phân tích, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại địa phương là các bệnh này không lây trực tiếp qua người, khuyến cáo nên mua những cơ sở uy tín, có xuất xứ nguồn gốc thịt heo rõ ràng, có kiểm dịch của cơ quan chức năng nên tôi cảm thấy an tâm khi chọn mua thịt heo về dùng.
TIỂU MY (thực hiện)