Người dân nên đề phòng trước “tin giả”
(BDO) Để phòng ngừa các đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin của công nhân lao động chia sẻ những thông tin không chính xác, bịa đặt, gây tâm lý hoang mang, đặc biệt là trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền để người lao động cảnh giác trước tin giả.
Một thanh niên đưa thông tin sai sự thật trên mạng bị cơ quan công an mời làm việc và xử phạt hành chính. Ảnh: CABD
Bà Lưu Thị Tuyết Trinh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TX.Tân Uyên, cho biết trước thực trạng trên, LĐLĐ thị xã vận động tất cả cán bộ công đoàn cơ sở tham gia vào nhóm Zalo phản ứng nhanh. Qua nhóm này, tất cả các công văn, văn bản chỉ đạo từ LĐLĐ tỉnh, công văn từ ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của thị xã đều được thông báo để các cán bộ nắm rõ. Từ đó họ có phương án triển khai đến từng tổ công đoàn và đoàn viên.
“Bên cạnh đó, trong các buổi sinh hoạt tổ công đoàn, các chủ tịch công đoàn thường xuyên tuyên truyền để đoàn viên không chia sẻ các thông tin khi chưa được kiểm chứng, nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí bị xử lý hình sự. Chúng tôi cung cấp cho đoàn viên biết các nguồn tin đáng tin cậy là từ trang tin của tỉnh, các báo chính thống trong nước, từ đó giúp công nhân nâng cao nhận thức khi đọc thông tin và có sự chọn lọc”, bà Trinh cho biết.
Nói về công tác tuyên truyền pháp luật trong công ty, anh Đào Thế Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty gỗ Chấn Phong, chia sẻ: “Bây giờ tin giả nhiều lắm. Tin giả từ ngân hàng đến việc giả cả cơ quan công an nên cán bộ công đoàn cần định hướng và tuyên truyền cho đoàn viên để đoàn viên vững vàng tư tưởng khi tiếp nhận các luồng thông tin, tránh gây ra tâm lý bất ổn làm ảnh hưởng đến những người khác và công việc”.
Hàng tháng anh Sơn thường tổ chức họp tổ công đoàn để nắm tình hình tư tưởng của công nhân, từ đó có những nhắc nhở kịp thời để công nhân không nghe và tin theo những tin tức bịa đặt. Nhờ vậy mà công nhân trong công ty khi thấy các thông tin đều gửi cho anh để xác minh lại chứ không tự ý chia sẻ.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Dương, khuyến cáo: “Khi đọc thông tin trên mạng, người đọc cần cẩn thận, bình tĩnh và sáng suốt chọn những nguồn tin chính thống. Tránh chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân của người khác để rồi bị phạt. Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác để trục lợi. Mặt khác, cần cảnh giác trước những thông tin tuyên truyền sai sự thật làm ảnh hưởng đến quan hệ lao động”.
Cũng theo luật sư Hùng, Điều 101 Nghị định số 15/2020/ NĐ-CP ngày 3-2-2020 quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.
QUỲNH ANH