Người dân được trao quyền theo dõi việc thực thi pháp luật

Thứ sáu, ngày 27/07/2012
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về “Theo dõi tình hình thi hành pháp luật” (THPL). Hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-10-2012.Tại Điều 3 của nghị định cho biết mục đích theo dõi tình hình THPL là nhằm xem xét, đánh giá thực trạng THPL, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả THPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật.Nguyên tắc theo dõi tình hình THPL (Điều 4), như sau: (1). Khách quan, công khai, minh bạch. (2). Thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. (3). Kết hợp theo dõi tình hình THPL theo lĩnh vực và theo địa bàn. (4). Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình theo dõi tình hình THPL; không trùng lắp, chồng chéo với các hoạt động thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Nhà nước đã được pháp luật quy định. (5). Huy động sự tham gia của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân.  Điều 5 quy định phạm vi trách nhiệm theo dõi tình hình THPL với sự phân công cụ thể: (1). Bộ Tư pháp (TP) theo dõi tình hình THPL trong phạm vi cả nước. (2). Bộ, cơ quan ngang bộ theo dõi tình hình THPL trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ. Cơ quan thuộc Chính phủ theo dõi tình hình THPL trong lĩnh vực được phân công. Tổ chức pháp chế ở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tham mưu, giúp bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo dõi tình hình THPL. (3). UBND các cấp theo dõi tình hình THPL trong phạm vi quản lý ở địa phương. Sở TP, Phòng TP, công chức TP - Hộ tịch cấp xã chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, công chức chuyên môn thuộc UBND cấp xã theo dõi tình hình THPL trong phạm vi quản lý ở địa phương. Nghị định 59/2012/NĐ-CP ghi rõ về quyền của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi tình hình THPL (Điều 6): (1). Các tổ chức, cá nhân có quyền tham gia hoạt động theo dõi tình hình THPL. (2). Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi tình hình THPL. (3). Căn cứ điều kiện cụ thể và yêu cầu của công tác theo dõi tình hình THPL, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp huy động Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn luật sư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hội xã hội, nghề nghiệp, tổ chức nghiên cứu, đào tạo, chuyên gia, nhà khoa học có đủ điều kiện tham gia hoạt động theo dõi tình hình THPL theo cơ chế cộng tác viên.NGUYỄN CAO