Người dân đồng thuận đẩy nhanh tiến độ dự án Vành đai 3
(BDO) Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cùng chính quyền các địa phương đã tổ chức gặp gỡ công bố thông tin liên quan và đối thoại với gần 1.000 người dân về dự án tuyến đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh. Qua các buổi tiếp xúc, thấy được lợi ích chung của dự án mang lại hầu hết người dân đã đồng thuận cao trong ủng hộ triển khai dự án nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa để sớm trao mặt bằng thi công dự án.
Ngày 17-10, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức họp dân công bố chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương. Tham dự có gần 1.000 người trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An và TP.Dĩ An có diện tích bị thu hồi để phục vụ mặt bằng thi công tuyến đường Vành đai 3 đi qua.
Ông Võ Ngọc Sang công bố thông tin về dự án đường Vành đai 3, trong đó có đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương.
Qua các buổi tiếp xúc, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh đã thông tin về dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương. Cụ thể, theo kế hoạch từ ngày 15-11-2022 đến 1-3-2023 sẽ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xác định giá đất cụ thể trước ngày 15-3-2023. Sau đó tiếp tục lấy ý kiến đối với người dân có đất thu hồi về dự thảo phương án bồi thường từ ngày 10-3-2023 đến 15-10-2023; Tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án được duyệt. Từ ngày 15-4-2023 đến ngày 30-6-2023 sẽ bàn giao tối thiểu 70% diện tích mặt bằng, cuối năm 2023 sẽ bàn giao 100% diện tích mặt bằng phục vụ thi công.
Tại các buổi tiếp xúc với người dân, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương cũng giải thích cho các hộ dân hiểu thêm về mục đích, ý nghĩa của dự án và kế hoạch bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án cũng như chủ trương của tỉnh. Sau khi thấy được tầm quan trọng, lợi ích chung của dự án mang lại cho người dân, đa số người dân ủng hộ chủ trương thực hiện xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh. Nhiều người dân mong muốn chính quyền áp dụng giá đền bù phù hợp và không thấp hơn quá nhiều so với giá thị trường, quan tâm chính sách hỗ trợ, nhất là việc bố trí khu vực tái định cư cho người dân bị giải tỏa thuận lợi cho việc học tập, công ăn việc làm để sớm ổn định cuộc sống. Có như vậy thì người dân sẽ an tâm và đồng thuận cao để sớm bàn giao mặt bằng triển khai dự án.
Ông Võ Ngọc Sang trao đổi với người dân TP.Dĩ An có đất bị thu hồi để phục vụ cho dự án Vành đai 3.
Chính quyền địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương đã lắng nghe, đối thoại với người dân.
Tại buổi đối thoại, nhiều hộ dân trên tuyến đường Xa lộ Hà Nội (TP.Dĩ An) tỏ ra lo lắng khi chưa được cấp quyền sử dụng đất nên không có giấy tờ để xác nhận được đền bù theo quy định. Vì vậy, người đã kiến nghị chính quyền địa phương cần hướng dẫn cụ thể cho người dân, đồng thời không căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện việc đền bù…
Khu vực nút giao Tân Vạn thuộc dự án đường Vành đai 3.
Tại buổi tiếp xúc với các hộ dân, ông Võ Ngọc Sang, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cho biết, chính quyền sẽ tiếp tục tổ chức các buổi họp chuyên đề để thông qua các chính sách bồi thường, công bố các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án để dự án được triển khai thuận lợi theo đúng tiến độ, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Đồng thời, mong muốn các hộ dân an tâm, đồng thuận cùng với chính quyền tỉnh triển khai thực hiện dự án. Tỉnh sẽ nghiên cứu xem xét và phê duyệt chính sách hỗ trợ người dân khi thực hiện dự án, nhất là áp giá giải tỏa đền bù một cách phù hợp, đáp ứng được nguyện vọng của các hộ dân. Về vấn đề áp giá đền bù các khu vực giáp ranh, tỉnh sẽ nghiên cứu phê duyệt giá đền bù phù hợp.
Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 76,34 km, đi qua địa phận TP.Hồ Chí Minh và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Dự án được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập, có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng. Riêng đoạn qua tỉnh Bình Dương gồm dự án thành phần 5 bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi và dự án thành phần 6 gồm: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương. Tổng chiều dài tuyến Vành đai 3 qua địa bàn tỉnh hơn 26 km, trong đó, Dự án thành phần 2B - Nút giao Tân Vạn dài 2,53 km; đoạn Bình Chuẩn - sông Sài Gòn dài 8,23 km; đoạn trùng đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3 km. Tổng diện tích bị ảnh hưởng của dự án hơn 119 ha với 936 trường hợp bị ảnh hưởng, dự kiến bố trí tái định cư cho 515 trường hợp bị giải tỏa trắng. Về quy mô đầu tư dự án gồm 8 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng. Quy mô giai đoạn hoàn thiện đối với phần đường cao tốc là 8 làn xe với vận tốc thiết kế 100 km/h. Đối với phần đường song hành hai bên sẽ bố trí tối thiểu 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe hỗn hợp mỗi bên, vận tốc thiết kế 60 km/h với tổng mức đầu tư là 19.280 tỷ đồng. Dự kiến, cuối tháng 4-2023 sẽ khởi công dự án, thời gian cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. |
Minh Duy