Người dân cần cảnh giác khi chơi hụi
(BDO) Từ lâu, hình thức chơi hụi, họ, biêu, phường (gọi tắt là hụi) đã phổ biến ở nhiều nơi, được nhiều người tham gia như một hình thức tích lũy vốn. Tuy nhiên, gần đây hình thức “huy động vốn” này xuất hiện nhiều biến tướng, do đó người dân cần lựa chọn những chủ hụi có uy tín để tránh bị “vỡ” hoặc “giật” hụi!
Theo Thượng tá Trần Minh Tâm, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh, hụi là một trong những hình thức để huy động vốn, tương trợ lẫn nhau trong nhân dân tồn tại từ rất lâu trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc nhiều người dân giao một khoản tiền lớn cho một chủ hụi quản lý nên rất dễ phát sinh lòng tham, dẫn đến hành vi chiếm đoạt tài sản của các thành viên tham gia chơi hụi. Hiện nay, việc chơi hụi xuất hiện nhiều biến tướng phức tạp, nhất là chủ hụi kêu gọi người dân tham gia thông qua mạng xã hội. Do đó, chủ hụi và người chơi hụi đa phần không quen biết nhau, chưa gặp nhau. Nhiều người thấy chủ hụi chào mời, đăng những hình ảnh sống xa hoa trên mạng xã hội mà tin tưởng tham gia các đường dây hụi với số tiền góp hàng tuần lên tới cả trăm triệu đồng.
Chỉ trong 9 tháng năm 2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã tiếp nhận hơn 200 nguồn tin về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến chơi hụi. Trong đó có bị hại tố giác bị chủ hụi chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng qua việc tham gia hơn 10 dây hụi ngày. Qua điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã tiến hành khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bà Tạ Thị D. về hành vi chiếm đoạt tài sản của gần 80 người, có liên quan đến các dây hụi do bà D. tổ chức trên địa bàn TX.Tân Uyên. Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đang tiếp tục điều tra, xác minh đơn của 23 người dân cùng tố giác bà Nguyễn Thị Thùy Tr. và ông Nguyễn Thanh L. (cùng ngụ TP.Thủ Dầu Một) về hành vi chiếm đoạt gần 4 tỷ đồng thông qua việc tổ chức chơi hụi. Các đơn tố giác còn lại đa phần được hướng dẫn người dân khởi kiện dân sự do xác định chưa có dấu hiệu tội phạm.
Từ các vụ việc trên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh nhận thấy khi các hụi viên “hốt” hụi thì chủ hụi giao tiền rất sòng phẳng và đúng hạn nhằm tạo lòng tin. Một khi đã tạo được lòng tin thì chủ hụi lợi dụng việc các hụi viên không tham gia đi bỏ thăm khui hụi đầy đủ nên đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối như: Dùng tên khống, số phần khống tham gia chơi hụi “hốt” lấy tiền; tự ý lấy hụi của hụi viên để hốt; bán hụi khống và để cho nhiều hụi viên cùng “hốt” chót để lấy hụi của những thành viên này hốt trong quá trình tổ chức các dây hụi nhằm chiếm đoạt tiền của hụi viên. Thế nhưng, khi đã gom và lừa được số tiền lớn, chủ hụi liền “cao chạy, xa bay” thì hụi viên mới biết. Hậu quả của các vụ “bể” hụi rất nặng nề vì thường có nhiều “con hụi” tham gia, tài sản bị thiệt hại lớn. Thực tế tại Bình Dương có vụ “bể” hụi lên tới gần 30 tỷ đồng, đa phần các con hụi tham gia bằng tiền tiết kiệm và đây là tài sản lớn nhất họ có. Khi bị bể hụi có người rơi vào tình trạng lao đao, nợ nần, gia đình tan vỡ.
Do đó, khi quyết định chơi hụi, người dân nên tìm hiểu thông tin, lựa chọn những chủ hụi có độ tin cậy cao, các thành viên biết rõ về nhau, hụi không có lãi suất hoặc lãi suất thấp. Ngoài ra, việc chơi hụi nhất thiết phải có sổ sách ghi chép cẩn thận, giấy tờ biên nhận rõ ràng, có chữ ký của cả hai bên về việc giao nhận tiền, biết rõ người nhận hụi sau mỗi kỳ góp hụi. “Đặc biệt, trước khi quyết định tham gia vào một nhánh hụi nào đó, người chơi cần tìm hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan. Việc hiểu rõ bản chất của mô hình hụi là yếu tố, thông tin quan trọng để lựa chọn những người chủ hụi cũng như các thành viên trong nhóm hụi có độ tin cậy cao, lý lịch rõ ràng”, Thượng tá Trần Minh Tâm khuyến cáo.
NGUYỄN HẬU