Người đã tiêm vắc xin Covid-19 vẫn không được chủ quan phòng dịch
(BDO) Trao đổi với báo chí, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết tiêm vắc xin Covid-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên, người đã được tiêm vắc xin Covid-19, đặc biệt là những người mới chỉ được tiêm 1 mũi vắc xin vẫn rất cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khác, đặc biệt là thông điệp “5K” của Bộ Y tế.
Giải thích lý do, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái cho biết: Thứ nhất, vắc xin không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức bảo vệ rất thấp. Sau tiêm mũi thứ 2 từ 1 tháng trở đi thì vắc xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60 -90%, tùy theo loại vắc xin.
Thêm nữa, vắc xin không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ việc mang mầm bệnh. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vắc xin có thể không bị mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang vi rút và lây bệnh cho người khác. “Chính vì vậy, dù có được tiêm vắc xin, người được tiêm vắc xin vẫn rất cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh khác, đặc biệt là thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế để bảo vệ bản thân, gia đình, đồng nghiệp và cộng đồng. Hãy cùng nhau thực hiện biện pháp 5K + vắc xin để phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái khuyến cáo.
Dù hiệu lực của vắc xin không phải 100% nhưng theo các chuyên gia đây vẫn là vũ khí hữu hiệu giúp phòng ngừa Covid-19 và tiến tới tạo miễn dịch cho cộng đồng. Cũng theo tiến sĩ, bác sĩ Thái, nghiên cứu ban đầu ở Việt Nam cho thấy, những người đã khỏi Covid-19 có tỷ lệ miễn dịch vô cùng thấp. Đó là do vi rút SARS-CoV-2 có những protein gây cản trở việc sinh kháng thể, vì vậy dù nhiễm bệnh rồi nhưng cơ thể có tạo ra kháng thể hay không là chưa chắc chắn. Trong khi đó, nghiên cứu tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương gần đây, tình hình lại rất khả quan đối với những người tiêm vắc xin: Chỉ sau khi tiêm mũi thứ nhất 1 tháng, 90% số người tiêm đã sinh kháng thể. Kết quả này chỉ ra vắc xin đã có hiệu quả bảo vệ, mặc dù có thể chưa đủ mạnh - Đây là lý do chúng ta phải tiêm mũi 2 để đạt hiệu quả cao nhất.
Đứng trước câu hỏi mà nhiều người đặt ra: Ngay cả người đã tiêm 2 mũi vắc xin mà vẫn bị dương tính với SARS-CoV-2 thì lợi ích thực sự của vắc xin là gì? Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc khẳng định: “Đó chính là bảo vệ người được tiêm khỏi rơi vào thể nặng và phải nhập viện. Cho đến thời điểm này, vắc xin được sử dụng tại Việt Nam đã được chứng minh trên thực địa khi chưa có trường hợp tiêm đủ 2 mũi nào bị bệnh nặng hay tử vong”. Các trường hợp nhân viên y tế đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thuộc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh là một minh chứng: 52/53 trường hợp hoàn toàn không có triệu chứng. Tuy nhiên, điều này cũng cảnh báo rằng không thể chủ quan sau khi tiêm vắc xin Covid-19.
Dù đã được tiêm vắc xin, người được tiêm vắc xin vẫn rất cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh khác, đặc biệt là thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế để bảo vệ bản thân, gia đình, đồng nghiệp và cộng đồng.
P.V (tổng hợp)