Người cựu chiến binh làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp
(BDO) Những năm qua, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã xuất hiện nhiều tấm gương cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia các phong trào xã hội. Trong đó, CCB Nguyễn Văn Ghết ở ấp Lê Danh Cát (xã Thanh Tuyền) là một trong những điển hình vượt khó vươn lên trong cuộc sống, trở thành tấm gương lao động sản xuất giỏi, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Ghết thành công với mô hình kinh tế tổng hợp
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Thanh Tuyền giàu truyền thống cách mạng, năm 22 tuổi, người thanh niên Nguyễn Văn Ghết tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Vào năm 1984, ông tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, đến năm 1988 xuất ngũ trở về địa phương.
Hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, giai đoạn đầu khi trở về địa phương, dù làm nhiều công việc nhưng kinh tế gia đình của CCB Nguyễn Văn Ghết vẫn hết sức khó khăn. Ông đã phải đi làm thuê nhiều công việc để có kinh tế lo cho cuộc sống gia đình. Không cam chịu đói nghèo, ông luôn trăn trở suy nghĩ để tìm hướng phát triển kinh tế. Nhờ chịu khó và năng động, sáng tạo, ông đã thành công với mô hình kinh tế tổng hợp chăn nuôi và trồng cây cao su mang lại nguồn kinh tế ổn định cho gia đình.
Để không ngừng phát triển kinh tế gia đình, sau khi dành dụm được ít vốn cùng với vay mượn người thân, năm 1992, ông quyết định đầu tư trồng cây cao su với diện tích ban đầu 1 ha. Đến năm 2015, ông bắt đầu tìm hiểu và triển khai nuôi thêm heo. Với mong muốn làm kinh tế đạt hiệu quả cao, CCB Nguyễn Văn Ghết đã đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, đồng thời tự nghiên cứu, tiếp cận khoa học kỹ thuật mới để tăng năng suất, hiệu quả mô hình kinh tế gia đình. Thời gian đầu tuy có khó khăn, thậm chí có lúc không còn tiền vốn, nhưng CCB Nguyễn Văn Ghết vẫn không nản lòng từ bỏ.
Sau nhiều năm nỗ lực lao động, nhờ chịu khó làm ăn, tích lũy dần dần, đến nay ông đã mở rộng diện tích vườn cao su của gia đình lên 7 ha, 2 trại heo lạnh với quy mô hơn 200 con và 1 nhà yến. Trừ chi phí, mô hình này đã mang lại thu nhập cho gia đình ông khoảng 400 triệu đồng mỗi năm.
Nhớ lại hành trình vượt khó lập nghiệp từ hai bàn tay trắng của mình, ông Ghết cho biết quá trình lập nghiệp ông cũng đã trải qua nhiều gian nan vất vả và thất bại mới có được ngày hôm nay. “Giai đoạn khó khăn nhất là vào những năm 2015-2018 khi mới bắt đầu triển khai mô hình nuôi heo, đàn heo của gia đình tôi dính dịch tả nên bị tiêu hủy cả đàn, thiệt hại lúc đó lên tới hơn 500 triệu đồng. Không nản lòng trước thất bại, lúc đó tôi buộc phải bán đất để lấy vốn gây dựng lại trại heo của mình”, ông Ghết bộc bạch.
Năm nay đã 62 tuổi nhưng CCB Nguyễn Văn Ghết vẫn miệt mài, cần mẫn lao động. Chia sẻ với chúng tôi về kế hoạch trong tương lai, ông cho biết: “Còn sức khỏe thì mình cứ làm và cống hiến. Thời gian tới tôi sẽ tích cực tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi; chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, chăn nuôi để tăng thêm thu nhập cho gia đình”.
Dù trong bom đạn chiến tranh hay trở về cuộc sống đời thường, ông Nguyễn Văn Ghết vẫn giữ gìn phẩm chất cao quý của bộ đội Cụ Hồ. Ông luôn tích cực xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái ăn học trưởng thành và cống hiến cho các phong trào ở địa phương như góp công sức, tiền bạc trong phong trào làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới ở địa phương hay chung tay chăm lo cho gia đình các hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Khi nói về CCB Nguyễn Văn Ghết, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội CCB xã Thanh Tuyền, cho biết: “Bằng những kinh nghiệm có được từ phát triển kinh tế của mình, CCB Nguyễn Văn Ghết luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những hội viên Hội CCB hoặc người dân có khát vọng và ý tưởng làm giàu trên mảnh đất quê hương. Không những làm kinh tế giỏi, ông còn nhiệt tình tham gia các hoạt động, có đóng góp cho công tác an sinh xã hội, đồng thời làm ăn có hiệu quả, là tấm gương tiêu biểu để các hội viên học tập và noi theo”.
TIẾN HẠNH - TÚ BÌNH