Người cuối cùng làm nghề ướp trà sen
Gia đình ông Xiêm đang ướp trà - Ảnh: Quang Thế
Diện tích sen hồ Tây ngày càng bị thu hẹp, chỉ còn vài đầm thưa thớt hoa đã chuyển đổi thành dịch vụ chụp ảnh cho giới trẻ Hà thành. Có mặt tại gia đình ông Ngô Văn Xiêm - hộ dân làm nghề ướp trà sen lâu năm nhất tại hồ Tây, bao trùm lên khung cảnh là sự buồn tẻ khi sen đang ở độ chính vụ. “Diện tích sen đang bị thu hẹp gần hết và năm nay sen còn cho ít bông nữa nên người dân nơi đây bỏ luôn nghề ướp trà sen vì không có nguyên liệu để ướp trà” - bà Lưu Thị Hiền (vợ ông Xiêm) buồn rầu nói.
Khi chúng tôi đến đúng lúc ông Xiêm vừa mua được hơn 100 bông hoa sen nên ông rất vui mừng. Ông nói: “Ngày trước hoa nhiều lắm, cứ sáng tinh mơ là đi hái sen. Hái cả nghìn bông cũng được, không như bây giờ ngồi cả ngày ở nhà chờ mua từng bông”.
Ông Xiêm kể từ ngày ông còn bé thì ở Quảng An đã có nghề ướp trà sen. Hoa sen ở hồ Tây rất nhiều nên dân sống ven hồ hái hoa đưa vào phố cổ Hà Nội bán đổi lấy gạo. Năm 1980, một Việt kiều Pháp còn dám đổi một chiếc tivi màu lấy 10kg trà sen. Và đến nay không chỉ du khách trong nước mà có rất nhiều du khách ở Nhật, Mỹ và nhiều nước châu Âu cũng về đây mua trà.
Để làm được trà sen phải trải qua nhiều công đoạn. Sen ướp trà phải là sen hồ Tây vì nhiều lần người dân lấy sen nơi khác về ướp nhưng trà không có mùi thơm. Chè để ướp phải là chè Tân Cương vì người dân ở đây quan niệm chỉ có chè Tân Cương mới hợp với hương sen hồ Tây. Những bông sen to đẹp từ ngoài hồ đưa về nhà được người làm trà bóc lấy nhụy. Rồi cứ một lượt chè được phủ một lượt nhụy sen, dùng than hoa để sấy trà và sen, qua nhiều ngày mới cho ra chè có hương sen.
“Tôi đã bàn với vợ là sẽ đưa sen hồ Tây lên trồng ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) có chất đất giống như ở hồ Tây để giữ lại hương thơm của giống sen quý này. Tôi sẽ truyền lại nghề ướp trà này cho đứa con gái vì cứ nghĩ đến một ngày trà sen bị biến mất thì cả hai vợ chồng tôi lại buồn bã” - ông Xiêm nói như muốn khóc.
Theo TTO