Người chăn nuôi thực hiện nghiêm phòng, chống dịch bệnh

Thứ hai, ngày 16/01/2023

(BDO)  Những năm gần đây, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi, trong đó gây thiệt hại lớn là bệnh dịch tả heo châu Phi và dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Vì vậy, xác định bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh chính là giải pháp hữu hiệu để phát triển, huyện Bàu Bàng đã tập trung chỉ đạo phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi trước khi nhập con giống và sau mỗi chu kỳ xuất bán; định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm giết mổ bằng vôi bột hoặc hóa chất.

Cùng với đó, huyện chỉ đạo tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định, tuyên truyền và thực hiện tốt công tác tiêm phòng định kỳ để chủ động bảo vệ đàn vật nuôi. Nhằm tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, cung cấp sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, huyện Bàu Bàng đã ban hành kế hoạch về việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện; tổ chức nhiều đợt vệ sinh tiêu độc khử trùng, cấp hóa chất cho các xã, thị trấn để tiến hành phun khử trùng; công tác tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm được triển khai hiệu quả. Cùng với làm tốt công tác vệ sinh tiêu độc, tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, công tác tuyên truyền, tập huấn cũng được các cấp, các ngành huyện đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như đưa tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh từ huyện tới cơ sở về kỹ thuật chăn nuôi, quy trình thực hành chăn nuôi tốt, các quy định, biện pháp phòng, chống dịch, cơ chế chính sách của Nhà nước để người dân nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, người chăn nuôi cần thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, nghiêm túc trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Sau khi xuất đàn cần vệ sinh sạch sẽ chuồng trại; khi nhập giống gia súc, gia cầm cần kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ, không nhập con giống không rõ nguồn gốc hay con giống ở vùng có dịch để phòng lây lan mầm bệnh, tránh thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến an toàn dịch bệnh trên địa bàn.

 PHƯƠNG ANH