Người chăn nuôi chủ động phòng chống cúm gia cầm
Cùng với những nỗ lực của cơ quan chức năng, người chăn nuôi gia cầm (GC) tại Bình Dương cũng đã ý thức và chủ động hơn trong việc phòng chống dịch bệnh cúm GC, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh GC đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay.
Ngay từ đầu năm, Chi cục Thú y Bình Dương đã chuẩn bị kỹ lưỡng về vật tư, nhân lực cho việc tiêm phòng cúm GC đợt 1 năm 2013; đồng thời thực hiện công tác tuyên truyền để hộ chăn nuôi và người dân ý thức hơn về mức độ nguy hiểm của dịch cúm GC. Nhờ đó, người chăn nuôi tại Bình Dương đã ý thức cảnh giác với cúm GC. Ông Thân Văn May, ngụ ấp 6, xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo, cho biết: “Lâu nay gia đình tôi nuôi gà thả vườn và chưa hề dính dịch bệnh. Cái chính là phải biết phòng bệnh cho GC bằng cách tiêm phòng đầy đủ cũng như tăng sức đề kháng cho đàn gà khi thời tiết thay đổi”. Anh Lê Đình Quân, cùng ngụ ấp 6, xã Tân Hiệp hiện đang nuôi khoảng 700 con gà thả vườn cũng cho biết nhờ tuân thủ đúng các yêu cầu về chuồng trại, chế độ dinh dưỡng mà đàn gà của anh vẫn tăng trọng đều đều và không hề dính dịch bệnh. Anh Quân nói: “Để có thể phòng chống tốt các loại dịch bệnh cho đàn GC, theo tôi người chăn nuôi cần phải hiểu rõ về đặc tính của các loại bệnh trên GC để phòng trừ sao cho hiệu quả. Bên cạnh đó, cần thực hiện đúng các phương pháp chăn nuôi khoa học như điều hòa nhiệt độ chuồng trại phù hợp, không để nóng quá cũng như lạnh quá… thì chắc chắn đàn GC sẽ không xảy ra dịch bệnh”.
Chăn nuôi khoa học sẽ hạn chế được nhiều loại bệnh trên đàn GC. Trong ảnh: Nuôi gà thả vườn tại một hộ ở xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo
Với các hộ chăn nuôi quy mô trang trại với số lượng lớn, chi phí đầu tư cao nên ý thức của họ đối với việc phòng trừ dịch bệnh cho GC là rất tốt. Ông Trần Thành Có, người nuôi gà trại lạnh tại xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên, cho biết nuôi gà trại lạnh phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về cách ly, quản lý chặt chẽ nguồn thức ăn nhập vào trại cũng như thực hiện tốt các quy trình tiêm phòng, nên khả năng phát sinh dịch bệnh tại trại lạnh là rất thấp. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh GC diễn biến phức tạp như hiện nay, điều lo ngại đối với việc phòng chống dịch bệnh cho đàn GC ở Bình Dương vẫn là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, vì các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chủ yếu nuôi thả, nên việc tiêm phòng sẽ khó khăn hơn. Cùng với đó là tâm lý chủ quan ở các hộ này khi cho rằng nuôi nhỏ lẻ sẽ ít xảy ra dịch bệnh và khi xảy ra dịch bệnh cũng dễ xử lý hơn. Một vấn đề khó khăn nữa cho công tác phòng chống dịch bệnh trên GC tại Bình Dương là có nhiều hộ nuôi chim yến, trĩ, bồ câu, chim cảnh… Chỉ tính riêng đàn chim yến, Bình Dương có khoảng 5.000 con và chim trĩ nuôi nhốt vào khoảng 600 con. Một khi đàn chim nhiễm bệnh thì vấn đề phát tán dịch bệnh là rất lớn!
Theo ông Tạ Trọng Khang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, chim là nhóm không thể tiêm phòng nên nếu xảy ra dịch bệnh ở nhóm này thì không còn biện pháp nào khác là phải tiêu hủy. Hiện Chi cục Thú y tỉnh cũng đã có thông báo chỉ đạo các Trạm Thú y huyện về việc kiểm soát số lượng đàn chim yến, bồ câu, trĩ cũng như công tác vệ sinh thú y, tiêu độc khử trùng tại các hộ nuôi chim. Chi cục Thú y cũng tiến hành rà soát lại các điểm nuôi, bán chim kiểng; nếu cần thiết sẽ yêu cầu các hộ này di dời đàn chim ra khỏi khu đô thị, nội ô thị trấn. Ông Tạ Trọng Khang khuyến cáo người chăn nuôi GC cần chủ động hợp tác với lực lượng thú y trong công tác phòng chống dịch bệnh. Khi mua GC giống, sản phẩm GC phải tìm hiểu kỹ nguồn gốc và đã qua kiểm dịch. Nếu phát hiện GC chết không được vứt bỏ bừa bãi mà phải thông báo ngay cho lực lượng thú y đến xử lý nhằm tránh làm lây lan dịch bệnh ra diện rộng.
Đối với đàn thủy cầm, số hộ chăn nuôi tại Bình Dương không nhiều như các địa phương khác, nhưng tại một số địa phương vẫn có hộ nuôi vịt thả đồng. Cùng với đó là các điểm buôn bán vịt sống tại một số tuyến đường. Thực tế cho thấy, tại một số địa phương công tác phòng chống dịch bệnh gặp khó khăn là do đàn vịt nuôi chạy đồng di chuyển liên tục, mang mầm bệnh từ nơi này lây lan sang nơi khác. Do vậy, Trạm Thú y các huyện cần thường xuyên kiểm tra đàn thủy cầm nuôi, các điểm buôn bán gia cầm sống để tránh nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh hiện có trên 5 triệu con GC, trong đó chăn nuôi tập trung tại trang trại là hơn 4 triệu con và chăn nuôi nhỏ lẻ tại hộ gia đình là trên 1 triệu con.
ĐÀ BÌNH